Trao đổi trên báo Tuổi trẻ Online, chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn cho biết xyanua được xếp vào loại "chất độc đầu bảng" có thể gây nguy hiểm chết người dù với lượng rất nhỏ. Loại chất này thường tồn tại ở dạng tinh thể như muối, khi ra ngoài không khí có thể ngửi mùi tương tự như hạnh nhân.
Người ngộ độc xyanua có thể đau bụng, nôn ói... Đây là loại chất hấp thụ trong cơ thể rất nhanh, đi theo máu gây tổn thương các cơ quan, nhất là hệ thần kinh.
"Hàng nghìn năm cho đến nay, xyanua được xếp vào loại chất độc hàng đầu với câu nói: "Thứ nhất là nhân ngôn (xyanua), thứ nhì là thạch tín (asen)". Ngộ độc xyanua là vô phương cứu chữa. Một người 50kg chỉ cần ăn một lượng xyanua bằng hạt đậu xanh có thể tử vong", chuyên gia hóa học Hồng Côn cho biết.
Xyanua được xếp vào loại "chất độc đầu bảng" có thể gây nguy hiểm chết người dù với lượng rất nhỏ. Ảnh minh họa
Theo ông Côn, xyanua là loại hóa chất đang được sử dụng rất nhiều trong khai thác vàng. Ở một số quốc gia vẫn cho phép sử dụng loại chất này để khai thác vàng do mang lại hiệu quả cao.
Cùng trao đổi về chất độc xyanua, TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết việc ngộ độc xyanua không phải hiếm. Bệnh viện đã từng tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc xyanua trong tình trạng nguy kịch.
Các trường hợp này qua khai thác bệnh sử, theo bác sĩ Ngân, đa phần là tiếp cận với nguồn xyanua được mua từ các trang mạng không chính thống.
"Xyanua là chất khí hoặc chất lỏng không màu hoặc cũng có thể ở dạng tinh thể rắn. Vì vậy nạn nhân khó nhận ra nếu chất này hòa trong thức ăn, nước uống ở các trường hợp bị đầu độc", bác sĩ Ngân nói.
Từ vụ đầu độc bằng xyanua tại Đồng Nai, bác sĩ Ngân nói đây là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc. Tình trạng này càng trở nên nguy hiểm hơn, khi đã xuất hiện ngày càng nở rộ bằng các con đường giao dịch trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử, các kênh mua bán không chính thống.
"Do vậy, chúng ta phải tìm cách kiểm soát được các nguồn thuốc không chính thống từ những nơi này. Đặc biệt khi có bất kỳ ca ngộ độc nào xảy ra cần kiểm soát, truy được nguồn gốc nơi bán, xử phạt nặng tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Ngân nói.
Nhiều vụ án, vụ ngộ độc liên quan đến xyanua xảy ra. Tuy nhiên, việc mua bán chất này vẫn diễn ra, thậm chí khi gõ cụm từ mua bán xyanua trên mạng thì vẫn được công khai quảng cáo địa chỉ.
Báo Sài gòn Giải phóng dẫn lời luật sư Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Công ty Luật Đức Việt, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài vụ án rúng động này, trước đây cũng đã có một số vụ án mạng liên quan đến xyanua.
Việc mua bán xyanua được quy định bởi Luật Hóa chất 2007 và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ.
Cụ thể, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh, mua bán xyanua cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt. Trên thực tế, xyanua đang được rao bán tràn lan trên mạng với giá rẻ, không cần nhiều thủ tục.
Việc dễ dàng mua được chất độc xyanua cho thấy có "lỗ hổng" trong quản lý chất độc hại.
Chai nhựa chứa chất xyanua được cơ quan chức năng tìm thấy trong vụ án ở Đồng Nai.
Kiểm soát mua bán xyanua là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, với sự chung tay của các cơ quan chức năng và người dân. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác hại và nguy cơ tiềm ẩn của xyanua, cung cấp kiến thức về cách sử dụng, bảo quản an toàn, nâng cao cảnh giác, phát hiện và tố giác kịp thời các hành vi mua bán, sử dụng trái phép.
Cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh, mua bán, nâng cao mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chất độc hại và có biện pháp xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế để trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong việc kiểm soát mua bán xyanua, tham gia các hiệp định quốc tế về quản lý hóa chất nguy hiểm.
Đồng quan điểm với luật sư Vinh, TS. Nguyễn Thị Tố Như - Giảng viên Khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho biết, xyanua là hóa chất dùng trong sản xuất công nghiệp, không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Nhưng cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh hóa chất độc hại này cần phải tuân thủ các điều kiện của Luật Hóa chất 2007 và Nghị định 113.
Theo TS. Nguyễn Thị Tố Như hiện nay, việc kiểm soát buôn bán hóa chất đang gặp nhiều bất cập do sự chồng chéo trong quản lý. Mỗi sở ngành phụ trách một nhóm hóa chất riêng biệt, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất và hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, Luật Hóa chất quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất hàng hóa, nhưng lại thiếu quy định cụ thể đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cho mục đích tiêu dùng. Điều này dẫn đến tình trạng người bán không quan tâm đến mục đích sử dụng của người mua, dẫn đến giao dịch dễ dàng, thiếu kiểm soát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm tra, rà soát điều kiện kinh doanh hóa chất, áp dụng chế tài xử phạt nghiêm minh và tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ các cơ sở mua bán. Việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán xyanua, đặc biệt là trên mạng để ngăn chặn tình trạng mua bán tràn lan, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.