Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã buộc phải xem xét lại các giả định của họ vì sự trở lại của các chiến thuật tác chiến trên bộ từ thế kỷ 20.
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, ông Milley chia sẻ: "Một trong những bài học của cuộc chiến này là tỷ lệ tiêu thụ vũ khí thông thường rất cao, và chúng tôi đang kiểm tra lại kho dự trữ cũng như kế hoạch của chính mình để đảm bảo rằng chúng tôi đã làm đúng".
"Chúng tôi đang cố gắng thực hiện phân tích để sau đó có thể ước tính nhu cầu thực sự của mình. Và sau đó, chúng tôi cần đưa ra số tiền đó vào ngân sách. Đạn dược rất đắt đỏ", ông Milley nói thêm.
Việc xem xét này có thể liên quan tới kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng hàng năm trị giá 817 tỷ USD của quân đội Mỹ. Bình luận của ông Milley được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky có chuyến thăm cấp cao tới các nước châu Âu hồi tuần trước để kêu gọi viện trợ thêm cho Kiev khi cuộc xung đột sắp tròn một năm.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley. Ảnh: Shutterstock
Kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine tổng cộng 29 tỷ USD chi tiêu vũ khí và quốc phòng. Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã có mặt ở Brussels trong tuần này, gặp gỡ các quốc gia khác đồng minh với Kiev để điều phối một lượng lớn viện trợ cho Ukraine trước một cuộc phản công được lên kế hoạch vào mùa xuân.
Nhận xét của ông Milley đồng thời phản ánh những cuộc tranh luận ngày càng mở rộng ở phương Tây về thời gian kéo dài cuộc xung đột Ukraine.
Số lượng đạn dược lớn mà Ukraine yêu cầu trong cuộc xung đột đã phần nào phản ánh lỗ hổng trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, vỗn đang cố gắng xoay trục khỏi mô hình sản xuất thời bình và đang trong tình trạng thiếu linh kiện do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Trong tuần này, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đồng thời cảnh báo số lượng đạn dược Ukraine yêu cầu đang "cao hơn rất nhiều" so với năng lực sản xuất của các nước thành viên và đang gây áp lực lên ngành công nghiệp quốc phòng của họ.
Kiev đang lên kế hoạch phản công vào mùa xuân, dựa vào lô vũ khí viện trợ từ phương Tây có giá trị hàng tỷ USD, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và pháo binh hạng nặng.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một cơ quan cố vấn của Washington, cho thấy cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ "không được trang bị đầy đủ đạn dược" để đảm bảo an ninh. Viện nghiên cứu cũng cho biết nếu xảy ra một cuộc xung đột khác, nhu cầu đạn dược sẽ vượt quá khả năng của Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại chương trình an ninh quốc tế của CSIS, cho biết ông tin rằng Lầu Năm Góc đang thực hiện các bước để giải quyết vấn đề về sự thiếu hụt trên. Ông nói thêm rằng kho dự trữ của Lầu Năm Góc đến nay vẫn ổn.
Ông Cancian thông tin: "Tôi chỉ cảm thấy lo ngại ở mức độ vừa phải nhưng cũng lạc quan rằng chúng tôi đang đưa ra các biện pháp khắc phục mà chúng tôi cần".
Tướng Milley là một trong những người ủng hộ nhất của Washington cho một giải pháp thương lượng giữa Kiev và Moscow. Mặc dù không liên hệ việc cạn kiệt kho dự trữ với việc ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng theo nhận định của ông, cuộc xung đột sẽ kết thúc trên bàn đàm phán và không bên nào đạt được mục đích của mình.
"Nga gần như không thể đạt được các mục tiêu chính trị của họ bằng các biện pháp quân sự. Không có khả năng Nga sẽ đổ dồn sang Ukraine. Điều đó sẽ không xảy ra", ông Milley chia sẻ.
Tướng cấp cao tiếp tục: "Năm nay, Ukraine cũng rất, rất khó khăn trong việc đẩy lùi Nga ra khỏi từng tấc đất của mình. Không phải điều này không thể xảy ra nhưng nó sẽ cực kỳ khó khăn. Về cơ bản, để làm được điều này, họ cần khiến quân đội Nga sụp đổ".
Minh Hạnh (Theo Financial Times)