Dân Trí dẫn lời BSCKII Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp cho biết, chức năng chính của thận là lọc máu và loại bỏ chất thải từ cơ thể qua nước tiểu. Do đó, màu sắc của nước tiểu có thể là dấu hiệu rõ ràng khi thận gặp vấn đề.
Loại thực phẩm chúng ta ăn, lượng nước uống hàng ngày có thể ảnh hưởng đến màu sắc của nước tiểu. Thông thường, khi ăn nhiều thịt đỏ và uống bia rượu, nước tiểu sẽ có màu sậm và mùi khá khó chịu.
Nếu vào buổi sáng sau khi thức dậy, nước tiểu trắng có thể là dấu hiệu của vấn đề thận như suy giảm chức năng. Ảnh minh họa
Trong khi đó, đối với người duy trì chế độ ăn lành mạnh và uống đủ nước, màu sắc của nước tiểu sẽ trắng (trong, không màu) hoặc hơi vàng.
Tuy nhiên, màu trắng của nước tiểu không phải luôn là chỉ báo cho sức khỏe tốt và lối sống lành mạnh. Đáng chú ý, nếu vào buổi sáng sau khi thức dậy, nước tiểu trắng có thể là dấu hiệu của vấn đề thận như suy giảm chức năng.
Theo BS Hải, ban đêm, dù chúng ta đã ngủ say thận vẫn hoạt động và nước tiểu sau khi được lọc sẽ lắng đọng lại và tích trữ trong bàng quang. Đây là lý do mà buổi sáng chúng ta thường đi tiểu nhiều. Quy trình này được gọi là sự cô đặc của nước tiểu.
"Đây cũng là lý do vì sao khi thức dậy vào buổi sáng nước tiểu thường không trong mà có màu vàng hoặc vàng đậm mới là bình thường", BS Hải thông tin.
Do đó, nếu thường xuyên thấy nước tiểu không màu vào buổi sáng, sau khi thức dậy người dân nên đi khám thận sớm.
Ngoài ra, sáng sớm thức dậy, nếu đi tiểu thấy nước tiểu sủi bọt nhiều cũng cần đi khám sớm bởi đây là triệu chứng cho thấy cơ thể đang thừa đạm và khả năng lọc của thận đang có vấn đề.
Ngoài màu sắc, theo BS Hải, một trong các dấu hiệu vấn đề về thận cần kiểm tra sớm chính là đi tiểu nhiều vào ban đêm, đặc biệt là ở những người trẻ.
Chuyên gia này phân tích: "Tiểu đêm thường gặp ở người cao tuổi. Đây là điều hoàn toàn bình thường vì tuổi càng cao, chức năng càng kém. Với người trẻ, nếu chế độ sinh hoạt hôm trước bình thường, không uống thuốc hay sản phẩm lợi tiểu nhưng đêm đi tiểu quá 2 lần thì chứng tỏ thận cũng đang có vấn đề".
Muối là gia vị không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người Việt. Thành phần chính của muối là natri. Tổ chức thận học thế giới (KDIGO) khuyến nghị người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 2 g natri mỗi ngày, tương đương dưới 5 g hoặc khoảng dưới một muỗng cà phê muối ăn.
Ăn quá mặn làm tăng nguy cơ cao huyết áp - nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương chức năng thận, dẫn đến suy thận.
Thói quen tiêu thụ quá nhiều đường, nhất là đường tinh chế, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, ảnh hưởng đến chức năng lọc máu của thận, dẫn đến suy thận.
Ngoài các loại tinh bột quen thuộc như cơm, bánh mì, khoai, bắp..., đường có mặt trong nhiều thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn vặt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 25 g, tương đương 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày.
Không uống đủ nước ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của thận, tăng nồng độ khoáng chất và chất thải trong nước tiểu. Điều này không chỉ tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, mà còn tạo gánh nặng lên chức năng lọc của thận, giảm tưới máu thận. Theo thời gian, chức năng lọc của thận bị ảnh hưởng, dẫn đến suy yếu.
Uống đủ nước mỗi ngày, cụ thể là nhiều hơn lượng nước tiểu trong ngày 500 ml ở điều kiện thông thường, để bảo vệ chức năng thận. Lượng nước nạp vào cơ thể có thể đến từ nước lọc và thực phẩm (trái cây, canh, rau củ...). Hạn chế sử dụng nước không tốt cho thận như nước ngọt, bia rượu, nước trái cây đóng chai, trà đặc.
Thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa, chất bảo quản không chỉ có hại cho thận mà còn cho sức khỏe nói chung.
Tiêu thụ quá nhiều chất đạm từ thịt động vật khiến thận phải làm việc nhiều hơn, tăng nguy cơ tổn thương thận, giảm độ lọc cầu thận (eGFR). Người đã có bệnh thận mạn chỉ nên tiêu thụ tối đa 0,6-0,8 g đạm/kg cân nặng cơ thể mỗi ngày.
Lạm dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn khiến thận phải tăng cường làm việc để loại bỏ chất độc hại ra khỏi cơ thể, khiến chức năng thận suy giảm. Uống nhiều bia rượu còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường - hai trong số những tác nhân hàng đầu gây suy thận mạn, thông tin trên báo Vnexpress.