Nếu được chẩn đoán mắc bệnh thận thì người bệnh cần phải rất chú ý đến việc điều chỉnh chế độ ăn uống. Điều này rất quan trọng vì sẽ giúp duy trì chức năng thận tối ưu. Một loại thực phẩm người bị thận nên tránh là chuối, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Người mắc bệnh thận ăn nhiều chuối có thể bị tăng kali máu dẫn tới các triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn. Ảnh minh họa
Chuối có hàm lượng kali cao. Một quả chuối kích cỡ trung bình chứa 422 miligam kali. Kali chất điện giải thiết yếu, đóng vai trò quan trọng giúp duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể, đảm bảo cơ bắp và dây thần kinh hoạt động tối ưu. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh thận, khả năng điều hòa và bài tiết kali ra khỏi cơ thể sẽ bị suy giảm.
Do đó, nạp quá nhiều kali có thể dẫn đến tình trạng gọi là tăng kali máu, đặc trưng bởi nồng độ kali trong máu tăng cao vượt mức bình thường. Các triệu chứng thường gặp của tăng kali máu là mệt mỏi, suy nhược, nhịp tim không đều, buồn nôn, khó thở và xuất hiện cảm giác tê ngứa.
Theo Thanh Niên, kali thường được bài tiết qua thận. Nhưng với những người mắc bệnh thận thì cơ quan này sẽ gặp khó khăn trong khi thực hiện chức năng bài tiết. Hệ quả là thận sẽ chịu áp lực hoạt động lớn hơn và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Không chỉ chuối mà bệnh nhân thận cần hạn chế ăn các món có nhiều kali như cà chua, dưa hấu, đậu đen, cá hồi và một số món khác.
Ngoài ra, chuối còn chứa nhiều phốt pho. Đây cũng là một loại khoáng chất cần được kiểm soát trong chế độ ăn của bệnh nhân thận. Phốt pho dư thừa trong cơ thể có thể gây rối loạn nồng độ khoáng chất trong máu, dẫn đến các biến chứng nặng hơn.
Vì vậy, điều quan trọng là bệnh nhân thận cần hạn chế hoặc tránh ăn chuối. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc kết hợp các loại trái cây khác có hàm lượng kali và phốt pho thấp hơn vào chế độ ăn, chẳng hạn như quả mọng, táo và nho.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ đã lên kế hoạch ăn uống phù hợp với từng cá nhân.
Thận là cơ quan nội tạng có hình như hai hạt đậu, kích thước bằng nắm tay. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, thận lọc chất thải dư thừa trong máu và tạo ra nước tiểu.
Bệnh thận mạn tính bao gồm các tình trạng làm suy giảm dần chức năng thận. Ảnh minh họa
Bệnh thận có thể cấp tính hoặc mạn tính. Tổn thương thận cấp tính là tình trạng tạm thời, thường do bệnh tật hoặc chấn thương gây ra, làm gián đoạn chức năng thận. Trong khi đó, bệnh thận mạn tính liên quan đến tổn thương thận vĩnh viễn và có thể dẫn đến suy giảm chức năng lâu dài.
Ví dụ về tổn thương thận ngắn hạn là viêm thận kẽ - tình trạng phát sinh khi một số loại thuốc cản trở khả năng của thận và viêm bể thận do nhiễm trùng đường tiết niệu lan lên thận.
Bệnh thận mạn tính bao gồm các tình trạng làm suy giảm dần chức năng thận. Bệnh thận đa nang - một rối loạn di truyền, gây ra các u nang làm gián đoạn quá trình lọc của thận, có khả năng trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Viêm thận lupus - bệnh tự miễn dịch, dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn, thông tin trên VietNamNet.
T.D (T/h)