Trong một số tình huống, người đối diện phải “cuốn” theo ảo giác của đối tượng để làm chủ tình hình. Không được tiếp cận đối tượng quá gần khi chưa có những biện pháp phòng ngừa kèm theo và tránh để bị đối tượng “ngáo đá” gây sát thương.
Đó là những khuyến cáo của CATP Hà Nội khi xuất hiện trường hợp người bị “ngáo đá” nhằm đảm bảo an toàn cho cả lực lượng làm nhiệm vụ và người dân.
Khóc cười cùng ma túy đá
Như Báo ANTĐ đã đưa, tối 5-10, một nam thanh niên lên cơn “ngáo đá” đã trèo lên nóc nhà chênh vênh ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội dọa nhảy xuống dưới, gây náo loạn khu vực. Chỉ huy CAQ Thanh Xuân và lực lượng CAP Nhân Chính đã kịp thời có mặt, phối hợp với các lực lượng cứu hộ của quận Thanh Xuân để vận động, giải cứu nam thanh niên này.
Tại trụ sở CAP Nhân Chính, nam thanh niên được làm rõ danh tính là Bùi Văn L (SN 1990), trú tại tỉnh Hòa Bình. L thừa nhận đã nghiện ma túy từ năm 2015, và tới năm 2017 bắt đầu sử dụng ma túy đá. Ngày 2-10, L có sử dụng ma túy đá với các công nhân ở công trường xây dựng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Sau đó, L đến địa bàn phường Nhân Chính để xin việc tại công trường xây dựng nhưng không được nhận, L xin ngủ lại và đến tối 5-10 thì xảy ra vụ việc trên. CAP Nhân Chính đang vận động L đi cai nghiện để có cơ hội làm lại cuộc đời.
Trước đó, vào khoảng 23h ngày 29-8, Dương Thế T (SN 1982), trú tại xã Đỗ Đông, huyện Thanh Oai, Hà Nội sau khi sử dụng ma túy đá đã đi đến nhà mẹ đẻ của mình nói rằng đang bị Công an theo dõi, truy đuổi. Tại đây, T đã chạy vào bếp lấy dao rồi đi vào buồng ngủ, yêu cầu hai con của chị gái ruột dậy để T… bắt làm con tin. Một cháu chạy được ra ngoài, còn 1 cháu bị Thức khống chế, sau đó đập vỡ bóng đèn thắp sáng, chèn cửa, ném gạch đá ra ngoài không cho ai vào.
Nhận được tin báo, CAH Thanh Oai đã nhanh chóng có mặt để giải quyết, vận động T thả tự do cho cháu bé. Đến 2h30 ngày 30-8, lợi dụng đối tượng sơ hở, lực lượng CAH Thanh Oai đã khống chế đối tượng, giải thoát an toàn cháu bé, không gây thương tích cho đối tượng và người thân, không có thiệt hại về tài sản.
Cũng trong ngày 30-8, một người nghiện ma túy đá tự cho mình là “người dơi” đã xuất hiện tại đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Người thanh niên trèo lên mái nhà dân và liên tục nhảy từ nhà này sang nhà khác. Thậm chí, người này còn đứng, đi lại ở những gờ tường, mi cửa sổ mà không hề tỏ ra sợ hãi. Trực tiếp có mặt tại hiện trường, lực lượng CAP Giáp Bát, quận Hoàng Mai đã không truy đuổi, dồn ép mà từ từ tiếp cận để khống chế nhằm đảm bảo an toàn cho đối tượng.
Sau khoảng 1 giờ, lực lượng chức năng mới tiếp cận và đưa được nam thanh niên xuống đất an toàn. Người thanh niên được xác định là Nguyễn Văn C (SN 1983), trú tại xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ. C thừa nhận sử dụng ma túy đá và cứ nghĩ mình là “người dơi” và trèo lên tường, “bay lượn” trên các mái nhà nhằm để được mọi người tung hô là “siêu anh hùng diệt quái vật”...
Khéo léo vận động là biện pháp hiệu quả
Các vụ việc trên cho thấy, tình hình người nghiện ma túy đá bị ảo giác hiện đang có diễn biến phức tạp. Tại cuộc hội thảo khoa học về “Công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới - Thực trạng và giải pháp” do CATP Hà Nội tổ chức đã đưa ra những cách ứng phó phù hợp để giải quyết tốt nhất những trường hợp người “ngáo đá” mà không gây nguy hiểm cho cả đối tượng lẫn những người xung quanh.
Cụ thể, cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản là tuyệt đối không để đối tượng bị kích động, thậm chí người đối diện phải “cuốn” theo ảo giác của đối tượng để làm chủ tình hình. Không được tiếp cận đối tượng quá gần khi chưa có những biện pháp phòng ngừa kèm theo và tránh để bị đối tượng “ngáo đá” gây sát thương. Mặt khác, cần dùng lời lẽ mềm mỏng để vận động, thuyết phục đối tượng làm theo ý mình và nhanh chóng cách ly đối tượng với những người xung quanh.
Cũng tại cuộc hội thảo nêu trên, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP đã nhấn mạnh tính tích cực của công tác tuyên truyền phòng ngừa tình trạng đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến “ngáo”. Từ các biện pháp tuyên truyền, người dân đã nắm được và kịp thời phát hiện đối tượng “ngáo đá”, báo ngay cho lực lượng công an xử lý, tránh gây hậu quả xấu như nhiều vụ việc đã diễn ra. Do đó, công tác tuyên truyền, phòng ngừa là rất cần thiết, phục vụ tốt công tác phát hiện, kịp thời xử lý có hiệu quả đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác.
Có 5 dấu hiệu đặc trưng của các đối tượng “ngáo đá”: Mắt đảo điên, nghiến răng, thở nhanh, ngứa ngáy; Cách giao tiếp bất thường với những người xung quanh, kể cả người thân, bạn bè, hàng xóm và hay nói nhảm; Tự gây thương tích cho mình hoặc người khác bằng hung khí; Có những hành động vô thức lặp đi lặp lại; Dễ nổi cáu, nổi giận, mất kiểm soát bản thân và có những hành vi vô thức. Tiếp đến là nói nhiều, tự cao, lo âu, đa nghi, kích động, bồn chồn, tăng hoạt động, rập khuôn một hành động nào đó; tăng ham muốn tình dục, tăng nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và sau nữa là hoang tưởng với hai khuynh hướng đối lập nhau là hoang tưởng tự cao (có nhiều tài năng) hoặc hoang tưởng bị người khác làm hại. |
Nguồn: ANTĐ