Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xót xa loạt vụ nữ sinh bị đánh hội đồng gây phẫn nộ năm 2020

(DS&PL) -

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra sự việc nhóm nữ sinh giải quyết mâu thuẫn bằng cách đánh, đạp, thậm chí dùng cả mũ bảo hiểm,... để hành hung bạn.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra sự việc nhóm nữ sinh giải quyết mâu thuẫn bằng cách đánh, đạp, thậm chí dùng cả mũ bảo hiểm,... để hành hung bạn.

Tình trạng bạo lực học đường ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp hơn khiến phụ huynh, chuyên gia băn khoăn.

Học sinh dùng mũ bảo hiểm đập tới tấp vào đầu bạn

Nữ sinh dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu bạn. Ảnh: Cắt từ Clip

Khoảng 11h ngày 20/11/2020, D.T.N (học sinh lớp 11C2, Trường THPT Quảng Xương 4, Thanh Hóa) đã hẹn P.T.M (học sinh lớp 12T, Trường THPT Quảng Xương 4) đến đia phận xã Quảng Hải (H.Quảng Xương), cách trường khoảng 6 km để nói chuyện, do trước đó M. có mâu thuẫn với người thân của N.

Khi M. đến điểm hẹn, liền bị N. liên tục chửi mắng, đồng thời dùng 2 chiếc mũ bảo hiểm đập liên tiếp vào đầu. Bị đánh, M. chỉ biết dùng tay ôm đầu chịu đòn.

Không những thế, khi đã đập 13 phát vào đầu nạn nhân, N. còn bắt M. quỳ xuống đất xin lỗi mới chịu buông tha.

Quá trình diễn ra vụ việc có nhiều bạn cùng trang lứa ở xung quanh chứng kiến, nhưng không ai vào can ngăn. Một người trong nhóm này đã dùng điện thoại quay lại vụ việc và đăng tải lên mạng xã hội.

Nữ sinh D.T.N sau đó đã bị Trường THPT Quảng Xương 4 kỷ luật.

Nữ sinh hành hung bạn học

Ngày 5/3/2020, video dài gần một phút ghi cảnh nữ sinh đánh bạn lan truyền trên mạng xã hội. Trong video, cô gái mặc quần áo đen liên tục nắm tóc, đá và tát vào mặt nữ sinh vai đeo cặp. Nhiều học sinh can ngăn, song cô gái áo đen không dừng tay. Nạn nhân không phản kháng, chỉ cúi đầu chịu đòn.

Ông Nguyễn Quang Hải, Hiệu trưởng THPT Lê Hồng Phong xác nhận, nhóm nữ sinh trong video là học sinh của trường.

Sự việc xảy ra từ ngày 19/12/2019 ở vỉa hè đường Trần Phú (phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn), cách trường một km. Người hành hung học lớp 12C3, em bị đánh lớp 10A6. Tuy nhiên, chỉ khi video đăng trên mạng xã hội, Ban giám hiệu nhà trường mới biết và xác minh.

Nhà trường đã yêu cầu hai giáo viên chủ nhiệm làm tường trình, kiểm điểm.

Theo ông Hải, sau vụ hành hung, hai nữ sinh vẫn đến lớp, hứa không tái phạm. Đến ngày 15/1, học sinh bị đánh nộp đơn xin chuyển vào Nghệ An và được đồng ý. Nguyên nhân sự việc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân.

Đánh nữ sinh rồi tung clip lên mạng ở Hậu Giang

Trường THCS Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang- nơi một nữ sinh bị nhóm học sinh đánh - Ảnh: TTO

Chị Tô Thị Phương P. 39 tuổi, ngụ xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có đơn tố giác gửi cơ quan chức năng.

Trong đơn chị P. cho biết: Vào lúc 18h ngày 15/12/2020, chị có nhận được cuộc gọi của một phụ huynh thông báo con gái chị là cháu L.N.M.Th. , đang là học sinh lớp 7A3, Trường THCS Tân Long bị đánh và bị quay clip, hình ảnh đưa lên mạng xã hội. Sau khi nhận được thông tin, gia đình chị P. đã lên mạng tìm và phát hiện clip quay hình ảnh con chị bị nhóm 4 người đánh dã man, trong đó có học sinh học cùng lớp.

Qua tìm hiểu chị P. biết thêm: Thời điểm con chị bị đánh là vào trưa ngày 15/12. Ngoài dùng tay, nhóm nữ này còn sử dụng nón bảo hiểm để tấn công con chị. Theo lời Th. kể với gia đình thì trước đó em có cự cãi với bạn nam học chung, sau đó em này nói lại với các em nữ kia. Khi các em nhắn tin qua lại, thì Th. có xin lỗi nhưng không được chấp nhận. Đến khi Th. vào lớp học chưa ngồi xuống bàn đã bị hành hung. Chị P. đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm nhóm học sinh đã đánh con mình và còn quay clip đưa lên mạng để sự việc không tái diễn nữa.

Theo nội dung một trong các clip ghi lại, 2 em nữ, trong đó có 1 em mặc đồng phục cùng nắm tóc, dùng tay đánh lên đầu, lưng của 1 nữ sinh. Đáng nói hơn, khi nữ sinh bị đánh ngồi xuống nền gạch ôm đầu thì 2 em nữ này dùng chân đá vào người liên tục, kèm theo là tiếng chửi thề. Xung quanh có nhiều học sinh, các em này kêu dừng lại và một hồi lâu mới vào can ngăn.

Liên quan sự việc này, ông Ngô Thanh Hải- Hiệu trưởng Trường THCS Tân Long cho biết: Em Th. bị đánh trong lớp vào giờ trưa, lúc chưa đến giờ vô học.

Nữ sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi bị hành hung

Khoảng 11h30, ngày 18/11/2020, hai học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa là Đỗ Lê Vân và Hoàng Yến My, do mâu thuẫn trong khi trao đổi trên mạng xã hội nên cả hai hẹn nhau sau giờ học buổi sáng đến khu vực sân bóng ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa để giải quyết.

Học sinh Đỗ Lê Vân bị Hoàng Yến My cùng các nữ sinh khác gồm: Lê Gia Hân, Bùi Bảo Nhi đều là học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi; Lê Thùy Trâm, học lớp 9, trường THCS Hàm Rồng, phường Hàm Rồng và Nguyễn Phương Nhi, học sinh lớp 8 trường THCS Lê Lợi, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa túm tóc giật ngã, dùng tay, chân đấm, đá gây xây xước, sưng nề ở vùng mặt, tay, chân. Trong lúc hai bên xảy ra xô xát, có một số học sinh đứng xem, quay clip.

Tối 18/11/2020, gia đình đưa em Vân đi khám, ban đầu xác định học sinh Đỗ Lê Vân bị thương nhẹ phần mềm, chưa phát hiện các thương tổn nghiêm trọng, hiện đang được điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và đại diện các phụ huynh có con tham gia đánh bạn đã trực tiếp đến thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần và xin lỗi gia đình em Vân.

Hội đồng kỷ luật nhà trường sau đó có quyết định đình chỉ học tập 1 tuần và xếp loại hạnh kiểm trung bình trong tháng 11/2020 đối với các học sinh vi phạm.

Theo đó, các học sinh tham gia đánh hội đồng gồm: Hoàng Yến My, lớp 9A3; Lê Gia Hân, lớp 8A4; Bùi Bảo Nhi, lớp 8A5 đều là học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi; Nguyễn Phương Nhi, lớp 8A5, Trường THCS Lê Lợi, phường Đông Vệ; Lê Thùy Trâm, học lớp 9, Trường THCS Hàm Rồng, phường Hàm Rồng và Nguyễn Hữu Lộc, lớp 7A4, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (là người xem và đưa video lên mạng) đều bị đình chỉ học tập 1 tuần, xếp loại hạnh kiểm trung bình trong tháng 11/2020, đồng thời cảnh cáo trước cờ.

Thiếu hụt kỹ năng

Theo TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, HS đánh nhau, quay lại rồi tung lên mạng xã hội thể hiện lỗ hổng về kỹ năng sống.

Trước hết, các em thiếu kỹ năng ứng phó, giải quyết các tình huống. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giáo dục ý thức cho HS. Trong đó, nhấn mạnh kiến thức và những quy định của luật pháp liên quan hành vi xâm phạm thân thể, làm nhục người khác.

TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh: Xã hội hiện đại luôn đòi hỏi con người cần kỹ năng ứng phó trước những tình huống xảy ra nên rèn luyện cho HS các kỹ năng mềm là nhiệm vụ quan trọng.

Giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho các em kiến thức, thái độ phù hợp, từ đó hình thành hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; tạo cơ hội cho HS có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra hàng ngày.

Đánh bạn vì không vừa lòng, tung clip đánh nhau lên mạng xã hội để “cho vui” chứng tỏ các em chưa hiểu rõ về các quy định trên không gian mạng; hành vi nghiêm cấm cũng như chế tài xử phạt trong việc sử dụng và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Chưa tự trang bị kỹ năng chọn lọc thông tin, sử dụng mạng xã hội để phục vụ nhu cầu học tập.

Tiến sĩ tâm lý học Lê Mỹ Dung cho rằng, sự thật đáng buồn là chúng ta càng tuyên truyền nhiều về bạo lực học đường thì số vụ càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là sự tác động của phim ảnh, game, hay các chương trình giải trí lệch chuẩn.

Ở góc độ khác, cần thẳng thắn nhìn nhận công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn yếu và thiếu, chưa đánh trúng vào tâm lý của đối tượng học sinh tuổi mới lớn, nhất là các bạn nữ. Chính vì vậy, những điều như khuyên bảo, hoà giải, ngăn chặn, giáo dục tích cực... vẫn "ngủ yên" trong các văn bản mà ít phát huy được giá trị thực tiễn, dẫn đến việc gia tăng bạo lực học đường thời gian qua.

TS Dung cho rằng, một đứa trẻ bị bắt nạt cho thấy các em đang ở thế yếu hơn. Vì thế trẻ thường có tâm lý bất an, lo sợ và tự nghĩ nếu nói ra sự thật thì đối phương sẽ trả thù.

Nếu bố mẹ tinh ý, quan sát, gần gũi con chắc chắn sẽ nhận ra điều này ở các biểu hiện: lo sợ, không vui vẻ, không hồ hởi, mệt mỏi, không muốn tiếp xúc với mọi người, tự ti, bất cần, học hành sa sút... Khi được hỏi đến các mối quan hệ bạn bè, trẻ sẽ thoái thác sang chuyện khác hoặc trả lời chống chế, đối phó cho qua chuyện.

Để ngăn chặn được tận gốc của bạo lực học đường, theo TS Dung, hơn ai hết phụ huynh phải là người hiểu con mình nhiều nhất, là niềm tin tuyệt đối để con tâm sự, sẻ chia và là chỗ dựa vững chắc của con. Bố me cũng phải là bác sĩ tâm lý giỏi nhất để điều trị lành vết thương mỗi khi con bị “va vấp”.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp Hội tâm lý giáo dục, muốn giải quyết căn bản tình trạng bạo lực học đường thì gia đình và nhà trường phải kết hợp trong việc giáo dục học sinh, nhất là học sinh ở lứa tuổi nổi loạn.

Ngoài ra, các nữ sinh không nên đi một mình mà nên đi theo nhóm an toàn, đặc biệt nữ sinh hạn chế tối đa việc đi qua khu vực vắng người.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các cơ quan an ninh cần vào cuộc và có biện pháp mạnh với những người có hành vi hành hung, đánh người. Giáo dục tích cực, khuyên bảo, can ngăn là chưa đủ. Chúng ta chỉ có thể ngăn chặn hành vi côn đồ đó bằng luật pháp, bằng chế tài xử phạt mạnh tay.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật