Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xôn xao vụ chồng đòi 12 triệu tiền ăn hàng ngày sau khi ly hôn: "Đấng nam nhi" có vi phạm pháp luật?

(DS&PL) -

Theo quan điểm của luật sư, nếu việc chồng chồng đòi 12 triệu tiền ăn hàng ngày sau khi ly hôn là thật thì cách hành xử đó không chỉ thiếu tính nhân văn mà còn không đúng

Theo quan điểm của luật sư, nếu việc chồng chồng đòi 12 triệu tiền ăn hàng ngày sau khi ly hôn là sự thật thì cách hành xử của anh chồng không chỉ thiếu tính nhân văn mà còn không đúng quy định của pháp luật.

Người vợ viết biên bản bàn giao tiền cho chồng cũ.  

Sau khi kết hôn, không phải cặp đôi nào cũng có thể nắm tay nhau đi tới cuối đời. Do không hòa hợp hoặc vì một số lý do nào đó mà một số cặp đôi sẽ ly hôn, có người chia tay trong hòa bình, vẫn giữ mối quan hệ tốt sau khi ly hôn.

Tuy nhiên, cũng có cặp đôi ra đi trong ồn ào, đấu tố nhau trên mạng xã hội. Như mới đây, cộng đồng mạng đang xôn xao trước vụ việc chồng đòi 12 triệu tiền ăn hàng ngày sau khi ly hôn.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, nếu câu chuyện này là sự thật thì cách hành xử của anh chồng không chỉ thiếu tính nhân văn và còn không đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Luật sư Bình phân tích, theo khoản 3 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nguyên tắc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

"Đồng thời pháp luật cũng quy định vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.

Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Chính vì vậy, người chồng đòi tiền vợ khi đưa vợ đi khám chữa bệnh là không đúng về thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật", luật sư Bình nêu quan điểm.

Theo luật sư Bình, ở câu chuyện này còn có tình tiết anh chồng giữ lại giấy tờ tùy thân như bằng đại học, sổ bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động… của người vợ và yêu cầu người vợ phải đưa một số tiền nhất định thì mới trả giấy tờ cho người vợ. Điều này có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Những yêu cầu của người chồng đưa ra là không chính đáng, nếu xét thấy có dấu hiệu của việc uy hiếp, bắt buộc người vợ phải đưa tiền mới trả những giấy tờ tùy thân cho người vợ thì hoàn toàn có thể bị điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư Diệp Năng Bình nói.

Cùng nói về sự việc, luật sư Nguyễn Anh Thơ, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP.Hà Nội nêu quan điểm, trong vụ việc này, người chồng đã có hành vi giữ lại giấy tờ tùy thân và yêu cầu thanh toán các khoản chi phí sinh hoạt trong thời gian sinh sống cùng nhau thì mới trả giấy tờ và đồng ý ly hôn đã thể hiện mâu thuẫn vợ chồng rất trầm trọng về tình cảm, sự tôn trọng lẫn nhau đã không còn.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Nếu người vợ mà không đồng ý với yêu cầu của người chồng về việc thanh toán các chi phí thì có thể yêu cầu Tòa Án giải quyết theo quy định của pháp luật trong quá trình ly hôn khi phân chia tài sản chung của vợ chồng (nếu có).

Bên cạnh đó, vị luật sư cũng nhận định rằng, nếu câu chuyện là sự thật thì hành vi của người chồng rất đáng lên án cả về mặt đạo đức xã hội, không đúng về thuần phong mỹ tục và lương tâm, trách nhiệm của người chồng.

Hành vi này tuy không cấu thành tội phạm nhưng trong quan hệ hôn nhân gia đình được coi là hành vi cưỡng ép ly hôn và cũng cần thiết phải xử lý bằng mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tình trạng bạo lực trong gia đình.

Xét hành vi của người chồng đã vi phạm Khoản 2 Điều 55 Nghị định 167/2013 với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: “Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác”.

Gần đây, mạng xã hội đang xôn xao về một vụ ly hôn, khi người chồng tính toán chi li, đếm tới từng “cọng rau cọng dưa” với vợ.

Theo đó, cặp đôi này cũng mới tổ chức đám cưới được 14 tháng, người vợ làm giáo viên trong khi chồng là công nhân.

Tuy nhiên, hạnh phúc chưa được bao lâu thì cặp đôi đã xảy ra xung đột dẫn tới ly hôn. Điều đáng nói là người chồng bắt vợ phải trả lại hơn 42 triệu đồng, bao gồm 12 triệu tiền ăn hàng tháng (tính từ thời điểm cô về làm dâu).

Đáng chú ý, người chồng còn giữ lại giấy tờ tùy thân của vợ đến bao giờ trả đủ tiền mới đưa.

Vì 42 triệu đồng không phải là số tiền nhỏ nên người vợ khó lòng gom góp được một thời gian ngắn. Do đó, cô đã ngỏ ý với chồng trả trước một khoản tiền để lấy giấy tờ tùy thân nhưng không được.

“Nếu cô không trả hết cô sẽ không lấy được một cái gì. Tôi nghĩ cô sẽ cần đống giấy tờ quan trọng của cô hơn đấy”, người chồng nhắn tin cho vợ.

Cuối cùng, người vợ cũng trả đủ tiền cho chồng cũ và được giải thoát khỏi "đấng nam nhi" này.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, đến lúc vợ thu dọn đồ đạc, anh chồng còn dặn bố mẹ anh ta đứng trông vì lo sợ cô sẽ lấy gì của nhà anh. Chiếc xe điện cô mang về cho mẹ chồng, lúc đi dắt xe ra anh chồng còn bảo “xe này anh thay bình nên tháo nốt bình điện ra trả”. Do đó, người vợ đã phải dắt bộ xe rời khỏi căn nhà đó.

Vì quá bức xúc với người từng chung chăn chung gối với mình, người vợ đã đăng tải thông tin vụ việc của chồng cũ lên mạng xã hội ngay sau khi trả đủ tiền cho anh ta.

Ngay sau khi đăng tải, bài viết của cô vợ đã nhanh chóng nhận được sự chú ý từ dân mạng.

Nhiều người tỏ ý thắc mắc không rõ vì nguyên nhân gì khiến cặp đôi chia tay và sự việc có hoàn toàn đúng sự thật hay không. Bên cạnh đó là hầu hết các ý kiến đều cảm thấy khó tin trước sự keo kiệt, tính toán chi li của người chồng và thương thay cho cô vợ khi lấy nhầm chồng.

Thủy Tiên

Tin nổi bật