Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xôn xao thông tin "lọc máu ngăn ngừa đột quỵ", bác sĩ nói gì?

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

“Nhiều người có suy nghĩ bị mỡ máu cao chỉ cần đi lọc máu sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ là quan điểm sai lầm”, bác sĩ cho hay.

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao trước thông tin nhiều người rủ nhau đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác. Trong khi đó không ít cơ sở “nổ” chỉ cần lọc máu thì không những xóa bỏ mỡ máu mà còn loại bỏ máu xấu, ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, tiểu đường, gan nhiễm mỡ.

Theo Tạp chí Tri thức, chỉ cần tìm kiếm cụm từ "lọc mỡ máu" trên mạng xã hội, có thể thấy hàng loạt quảng cáo với những lời tung hô tác dụng thần kỳ như: "giúp giảm mỡ máu, cải thiện cholesterol, ngăn ngừa đột quỵ, tiểu đường, gan nhiễm mỡ".

Thậm chí, một số cơ sở y tế còn tổ chức dịch vụ đưa khách hàng ra nước ngoài như Đức, Nhật Bản, Singapore để thực hiện "lọc máu". Việc này đặt ra nhiều câu hỏi về tính khoa học, an toàn và hiệu quả thực sự của phương pháp này trong việc phòng ngừa đột quỵ.

Mạng xã hội xôn xao trước thông tin nhiều người rủ nhau đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác. Ảnh minh họa 

Quan điểm sai lầm

Liên quan vấn đề lọc máu phòng đột quỵ, VTC News dẫn lời bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, khoa Nội thận - tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở Hoàng Mai) khẳng định, lọc máu là kỹ thuật “làm sạch máu” trong cơ thể nhằm mục đích điều trị những rối loạn bệnh lý mà không thể điều trị bằng các biện pháp thông thường như dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Mục đích của lọc máu nhằm loại bỏ trực tiếp và nhanh chóng các độc tố, những thành phần dư thừa hoặc những tác nhân gây bệnh ra khỏi máu của người bệnh.

Nguyên lý chung của kỹ thuật này là máu của bệnh nhân được đưa ra khỏi cơ thể thông qua các kim hoặc ống thông vào tĩnh mạch, dẫn máu qua một hệ thống ống dẫn (dây lọc), đến hệ thống màng lọc. Sau đó máu được trao đổi chất và "làm sạch" tại màng lọc (quả lọc) và được trả lại cơ thể người bệnh.

Kỹ thuật lọc máu được áp dụng với 3 lĩnh vực lâm sàng chính là lọc máu cho người bị ngộ độc, hỗ trợ cho những bệnh nhân bị suy chức năng các cơ quan như lọc máu cho bệnh nhân bị suy thận cấp và suy thận mạn tính, lọc máu cho bệnh nhân bị suy gan; điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa và miễn dịch, như các bệnh tự miễn dịch. Như vậy lọc máu là kỹ thuật chuyên sâu và hiện đại được chỉ định cho những trường hợp mắc các bệnh lý nghiêm trọng thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Một bệnh nhân lọc máu chạy thận. Ảnh: VnExpress

Theo bác sĩ Thanh, quan điểm mỡ máu cao có thể gây đột quỵ đúng nhưng chưa đầy đủ. Rối loạn mỡ máu kéo dài là yếu tố nguy cơ tim mạch cần phải can thiệp do nguy cơ gây xơ vữa mạch máu và tổn thương thành mạch, gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể gây các biến chứng như nhồi máu cơ tim và nhồi máu não (tắc mạch não).

Nếu chỉ bị mỡ máu cao nhưng người bệnh được phát hiện, điều trị và kiểm soát tốt sẽ giảm thiểu khả năng dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, rối loạn mỡ máu hay mỡ máu cao chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ khác của đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân và béo phì, hội chứng chuyển hóa, xơ vữa và hẹp động mạch nội sọ hoặc các động mạch cấp máu cho não, dị dạng mạch máu não, nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu bia, mỡ máu cao, người cao tuổi, người bị suy thận mạn.

Vì vậy, mỡ máu cao có thể dẫn đến đột quỵ hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và để phòng ngừa đột quỵ cần phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ chứ không chỉ điều chỉnh mỡ máu. “Nhiều người có suy nghĩ bị mỡ máu cao chỉ cần đi lọc máu sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ là quan điểm sai lầm”, bác sĩ Thanh nói.

Hiện Việt Nam chưa có hướng dẫn và chỉ định lọc mỡ máu để điều trị hay dự phòng đột quỵ. Kỹ thuật lọc mỡ máu hiện tại chỉ được chỉ định và áp dụng cho những trường hợp viêm tụy cấp kèm theo một chỉ số mỡ máu là triglycerid tăng cao.

Tin nổi bật