Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô gái bàng hoàng phát hiện suy thận ở tuổi 19

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Cô gái 19 tuổi, phát hiện mình bị suy thận trong một lần đi khám tổng quát do tăng huyết áp, thiếu máu, chức năng thận kém tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Cầm tờ kết quả sinh thiết "xơ hoá cầu thận toàn bộ", cô gái bật khóc.

Theo Tạp chí Tri Thức, trước khi phát hiện bệnh 6 tháng, cô gái ăn uống kém, hay nôn ói, nhưng vẫn mải mê học tập và vui chơi, vô tình khiến bệnh nặng hơn.

Giờ đây, chức năng thận chỉ còn 8 ml/phút, trong khi người bình thường ở mức trên 90 ml/phút, cô buộc phải chạy thận nhân tạo.

Sau 5 năm lọc máu, cô gái được nhận thận từ cha ruột. May mắn sức khoẻ của cô dần ổn định, nhưng để cơ thể khoẻ mạnh hoàn toàn như trước khi bị suy thận, thì không thể lấy lại được.

Khoa Nội thận - Lọc máu của Bệnh viện Thống Nhất thời gian gần đây cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân mới 23 tuổi, bất ngờ phát hiện mắc suy thận trong hoàn cảnh trớ trêu.

Với tâm thế chủ quan, ngày càng nhiều bạn trẻ mắc suy thận  ở giai đoạn nặng, phải chạy thận nhân tạo. Ảnh: Tạp chí Tri Thức

Ban đầu, thanh niên này nhập viện vì gãy tay do tai nạn giao thông. Trước đó, chàng trai không có tiền sử bệnh lý đặc biệt.

Tuy nhiên, tại bệnh viện, thanh niên được chẩn đoán tăng huyết áp, phát hiện có hồng cầu trong nước tiểu. Kết quả xét nghiệm và sinh thiết cho biết anh bị suy thận do viêm cầu thận. Đây là nhóm bệnh thận nguyên nhân tự miễn.

Chứng kiến nhiều người trẻ phải gác lại công việc, học tập, hoài bão để hàng tuần nằm bên máy lọc máu, PGS.TS Nguyễn Bách chia sẻ đây là thực trạng đáng buồn, rất tiếc.

"Họ không thể có cuộc sống học tập, lao động bình thường, sinh hoạt và kinh tế phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Đây thực sự là một gánh nặng cho bản thân, xã hội", bác sĩ Bách nói.

Ngoài ra, nhiều người trẻ bị bệnh thận, xã hội sẽ mất nguồn lao động trẻ, tạo ra gánh nặng tài chính. Việc điều trị cho nhóm bệnh nhân này cũng gián tiếp gây ra gánh nặng cho ngành y tế do quá tải chăm sóc bệnh nhân.

Hiện nay, nhiều ca bệnh khi phát hiện đã suy thận mạn, phải chạy thận lọc máu. Bác sĩ lý giải là do ở các giai đoạn trước, bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Đến khi phát hiện ra thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối.

Khi xét nghiệm nước tiểu, người dân cần quan tâm đến 2 thông số là đạm niệu và hồng cầu niệu, nếu hai thông số này thể hiện dương thì cần gặp bác sĩ ngay. Nếu phát hiện bệnh thận, người bệnh cần chú ý không nên ăn thức ăn chứa nhiều muối, thực phẩm nhiều chất đạm và kali (có nhiều ở trái cây và rau quả như chuối, mãng cầu, nước dừa), không uống nhiều nước... Với những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo, còn cần phải tuân thủ đúng số lần đến bệnh viện chạy thận, không bỏ bất kỳ lượt nào.

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu trên toàn quốc, tuy nhiên nghiên cứu theo từng vùng địa lý cho thấy tỉ lệ người mắc bệnh thận mạn ngày càng tăng cao. 

Mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. 

Theo Tuổi Trẻ, trong khoảng 5 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5 - 10%, gây gánh nặng cho y tế, gia đình và xã hội.

Triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. 

Nguyên nhân mắc bệnh suy thận 

Nguyên nhân một phần bắt nguồn từ lối sống không lành mạnh của giới trẻ hiện nay.

Lối sống hiện đại làm cho con người ít vận động, gây béo phì, chế độ ăn nhiều muối, đạm động vật, dầu mỡ, sử dụng nhiều thực phẩm chức năng sẵn có được bày bán online… Tất cả điều này góp phần gây bệnh thận ở người trẻ.

Ngày càng có nhiều loại thuốc, hóa chất, thực phẩm độc hại sẵn có trên thị trường nên người dân vô tình hoặc bị “dụ dỗ”, quảng cáo sử dụng chúng và hậu quả gây ra suy thận.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo mọi người không tự ý dùng lâu dài các loại thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và các thuốc đông y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, suy thận cũng đến từ sự thay đổi môi trường, khí hậu gây ra. Nhóm này thường không triệu chứng và diễn biến âm thầm.

Nhằm phát hiện sớm bệnh, người dân cần đi kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh này, phát hiện sớm sẽ giúp có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn tính.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian vào chạy thận, đồng thời giúp hạn chế biến chứng của bệnh thận mạn hay đợt cấp suy thận mạn và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Thùy Dung (T/h)

Tin nổi bật