Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/1: Người đàn ông nhập viện sau khi chữa suy thận theo hướng dẫn trên mạng

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/1/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 9/1/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông nhập viện sau khi chữa suy thận theo hướng dẫn trên mạng

VTC News dẫn thông tin từ bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân P.H (47 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ăn uống kém, da xanh xao, chân đau nhức, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.

Người đàn ông này bị suy thận độ 3 từ nhiều năm trước nhưng cảm thấy sức khỏe bình thường, nghĩ đã khỏi bệnh nên không uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Thay vào đó, anh H. nghe theo hướng dẫn từ các video trên mạng xã hội, tự ý uống nước săc từ cỏ mực, đậu đen xanh lòng để điều trị bệnh.

Hơn ba tháng qua, anh H. duy trì việc uống bài thuốc lạ này hàng ngày. Tuy nhiên, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm mà cơ thể ngày càng yếu hơn, anh mới nhập viện khám.

Cỏ mực (còn gọi là cây nhọ nồi) là một vị thuốc trong Đông y. Ảnh: VTC News

Kết quả thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người đàn ông đã chuyển sang suy thận cấp trên nền suy thận mãn tính giai đoạn 5, chỉ định lọc máu nhằm tránh nguy cơ hôn mê, tử vong.

Theo bác sĩ, nhiều người bệnh bị suy thận tự dừng điều trị và thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây học theo trên mạng xã hội khiến bệnh nặng hơn, không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.

Thực tế, các loại thuốc khi đưa vào cơ thể có hai cách đào thải là qua gan và thận. Trong trường hợp người bệnh đã suy giảm chức năng thận lại bắt thận làm việc thêm nữa, vô tình góp phần làm chức năng suy giảm hơn.

Bác sĩ khuyến cáo, với bệnh nhân có bệnh lý về thận, tuyệt đối không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc khi không có chỉ định, kể cả những bài thuốc đông y cũng phải do bác sĩ y học cổ truyền kê, tránh tiền mất tật mang.

Phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân gặp tai nạn khi dùng máy cắt cỏ

Theo thông tin trên báo Tuyên Quang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhân D.V.H (21 tuổi, trú tại xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng có dị vật sắc nhọn găm vào bàn chân phải.

Gia đình bệnh nhân cho biết, bệnh nhân dùng máy cắt cỏ tại nương ngô của gia đình, vô tình lia máy vào gần gốc cây nên lưỡi cưa bị gãy và bắn ra xuyên thủng qua ủng vào bàn chân.

Sau tai nạn, gia đình đã đưa bệnh nhân vào Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên để cấp cứu và được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để điều trị.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Ngay nhập viện, bệnh nhân đã nhanh chóng được khoa Cấp cứu tiếp nhận thăm khám và cho làm các cận lâm sàng cần thiết. Đồng thời, người bệnh được chuyển lên khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để phẫu thuật cấp cứu.

Kíp mổ khoa Chấn thương - Chỉnh hình đã phối hợp với kíp gây mê hồi sức của khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức tiến hành lấy dị vật, cầm máu, cắt lọc vết thương bị dập nát và khâu phục hồi bàn chân theo giải phẫu thành công.

Bác sĩ khuyến cáo, khi xảy ra tai nạn, bệnh nhân cần được sơ cứu, băng ép vết thương, cầm máu ngay rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị đúng cách, tránh chậm trễ có thể nguy hiểm tính mạng.

Số ca mắc cúm gia tăng, chưa ghi nhận chủng độc lực cao

Chiều 8/1, theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng những tuần gần đây nhưng đây không phải là sự bất thường. Lý do là vì thời điểm hiện nay giao mùa đông - xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc lạnh, lúc nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm.

Kết quả giám sát các trường hợp mắc cúm cũng cho thấy, các chủng virus gây bệnh đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong một tháng trở lại đây, ghi nhận số ca mắc cúm A nhập viện gia tăng nhanh chóng. Bệnh viện đang điều trị cho hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng, phải thở máy, trong đó có 8 bệnh nhân có bệnh lý nền.

Bệnh nhân mắc cúm A điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Hà Nội Mới

Hai đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.

Theo thông tin trên báo Hà Nội Mới, trước việc không ít người dân khi mắc cúm đã tự ý mua thuốc tamiflu về uống, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc người dân tự mua thuốc tamiflu về uống khi mắc cúm là không cần thiết và dễ gây hiện tượng kháng thuốc.

Để chủ động phòng, chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân áp dụng một số biện pháp như: Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng.

XEM THÊM: Diễn biến nặng vì cúm A, nhiều bệnh nhân suy hô hấp thậm chí "phổi trắng xóa"

Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật