Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/1: Người phụ nữ bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/1/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 8/1/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người phụ nữ bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine

Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Thống Nhất cho hay vừa cứu kịp hai trường hợp nguy kịch do bị đâm thủng tim và sốc phản vệ sau tiêm vaccine.

Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân N.T.D (40 tuổi). Cách nhập viện 1 ngày, bệnh nhân bị chó nhà cắn bắp chân trái, được chích vaccine phòng dại, SAT (huyết thanh uốn ván), SAR (huyết thanh kháng dại). Sau tiêm, bệnh nhân nổi mẩn đỏ, ngứa, được xử lý Solumedrol 40mg…

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ III sau tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, kháng uốn ván. Qua xử trí hỗ trợ hô hấp, Andrenalin, Corticoid (chống dị ứng), bù dịch…, hiện sức khỏe bệnh nhân tạm ổn.

Sức khỏe của nữ bệnh nhân hiện đã tạm ổn. Ảnh: Người Lao Động

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân N.V.C. (38 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM), bị đâm thủng tim bằng vật sắt nhọn. Theo người nhà, ông C. bị đâm trước cửa nhà, được đưa vào cấp cứu trong tình trạng choáng mất máu nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt, da niêm xanh… sau vết đâm ngay thành ngực trái trước tim.

Qua kiểm tra phát hiện có lượng máu lớn tràn màng phổi, ngay lập tức bệnh viện báo động đỏ mổ khẩn cho ông C. trong vòng 10 phút tính từ lúc nhập viện.

Sau khi chẻ xương ức kiểm soát tim, mạch máu lớn, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân đứt động mạch ngực trong trái, đứt động mạch liên sườn, thủng thùy trên trái và lượng máu mất là 3000 ml máu. Sau khi xử trí cấp cứu, hiện bệnh nhân qua nguy kịch, sức khỏe ổn định, tỉnh táo.

Bệnh nhân 43 tuổi ngừng tim do biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn cuối

VTV News đưa tin, Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai (Hà Nội) vừa cấp cứu thành công cho một trường hợp ngừng tim do biến chứng của bệnh thận mạn giai đoạn cuối, tăng kali máu.

Bệnh nhân Đ.V.C. (43 tuổi) đã chạy thận nhân tạo được 4 năm. Sáng cùng ngày nhập viện, bệnh nhân có những biểu hiện lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng kém, được gia đình đưa vào viện.

Không lâu sau khi nhập viện, bệnh nhân đột ngột mất ý thức. Kíp trực đã nhanh chóng nhận định bệnh nhân ngừng tuần hoàn và tiến hành cấp cứu theo phác đồ, cũng như xử trí theo hướng nguyên nhân hàng đầu gây ngừng tuần hoàn ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối là tăng kali máu.

Sau 10 phút cấp cứu, bệnh nhân có mạch trở lại và được chuyển lên khu điều trị thận nhân tạo lọc máu cấp cứu. Bệnh nhân sau khi lọc máu đã tỉnh táo trở lại, rút được ống nội khí quản đã đặt khi cấp cứu ngừng tuần hoàn, sinh hoạt gần như trở về bình thường.

XEM THÊM: Vui vui đi khám sức khỏe cùng nhóm bạn, người đàn ông 57 tuổi phát hiện mắc đái tháo đường type 2

Theo các bác sĩ, nhiều bệnh nhân mắc bệnh thận khi đã lọc máu chu kỳ trở nên chủ quan, cho rằng có máy lọc chất độc thay thế cho 2 quả thận nên trong quá trình ăn uống không kiêng kị gì.

Trên thực tế, chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến tiên lượng lâu dài của bệnh nhân, về chất lượng cuộc sống, về tuổi thọ vì việc chạy thận nhân tạo chu kỳ thường không diễn ra liên tục.

Thông thường mỗi bệnh nhân sẽ chạy thận nhân tạo khoảng 2-3 lần/tuần. Giữa các khoảng thời gian đi chạy thận, độc tố và các chất thải dư thừa vẫn bị tích tụ lại trong cơ thể và có thể gây nguy hiểm.

Hơn 5.000 trẻ được tiêm vaccine "5 trong 1" sau 1 tuần

Theo báo Người Lao Động, trưa 7/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết từ ngày 2-6/1, ngành y tế thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine "5 trong 1" miễn phí cho trẻ sau thời gian gián đoạn vì hết vaccine.

Với 8.100 liều vaccine "5 trong 1" được Bộ Y tế phân bổ, TP.HCM đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi ngay sau dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2024. Tính đến hết ngày 6/1, có 5.119 trẻ được phụ huynh đưa đến các trạm y tế trên địa bàn để tiêm. Trong đó, mũi 1 có 2.831 trẻ; mũi 2 là 1.759 trẻ và mũi 3 là 529 trẻ.

HCDC cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine "5 trong 1" trong hai ngày 8/1 và 9/1 cho các trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và trẻ chưa được tiêm đủ mũi 2, mũi 3, sau đó chuyển vaccine này vào hoạt động tiêm chủng thường xuyên.

Tính đến hết ngày 6/1, có 5.119 trẻ được phụ huynh đưa đến các trạm y tế trên địa bàn TP.HCM để tiêm vaccine "5 trong 1". Ảnh minh họa: Người Lao Động

Theo HCDC, bắt đầu từ ngày 10/1, đồng loạt các trạm y tế trên địa bàn thành phố sẽ tổ chức chiến dịch tiêm bù vaccine sởi và vaccine sởi - rubella (MR) cho trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sởi. Các vaccine khác sẽ được đưa vào tiêm trong tiêm chủng thường xuyên. Lịch tiêm và đối tượng cụ thể sẽ được HCDC cập nhật tại trang thông tin điện tử https://hcdc.vn.

"Ngay sau khi tiếp nhận vaccine, thành phố sẽ tổ chức tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên theo lịch và chủ động tăng số buổi tiêm nhằm tiêm bù mũi cho những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian gián đoạn vaccine.

Điều này nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng, chủ động phòng chống dịch bệnh trong tình hình các bệnh truyền nhiễm có vaccine đều có khả năng bùng phát lại nếu như miễn dịch cộng đồng suy giảm", HCDC nhấn mạnh.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật