Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xây dựng đội ngũ Luật gia trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân

(DS&PL) -

Trong nhiệm kỳ qua, các trung tâm tư vấn pháp luật của các địa phương đã thực hiện tư vấn pháp luật được gần 400.000 vụ việc và trợ giúp pháp lý được hơn 107.000 vụ việc.

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII nhiệm kỳ 2019-2024, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

Thưa Chủ tịch, trong nhiệm kỳ vừa qua các cấp Hội Luật gia đã đẩy mạnh hoạt động trên các lĩnh vực, công tác. Xin Chủ tịch cho biết, cho đến nay, kết quả đạt được như thế nào?

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, toàn thể các cấp hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoàn thành xuất sắc phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2014-2019 được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII đề ra; chủ động xây dựng và thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch công tác, trong đó có nhiều nội dung, nhiều mặt hoạt động có bước phát triển mới. Chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Các cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác trọng tâm đó là: Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội; Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; Công tác tham gia cải cách Tư pháp, cải cách hành chính; Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Theo Chủ tịch, kết quả nào là nổi bật nhất?

Nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua là các mặt công tác sau đây: Một là, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Điểm nhấn trong công tác này là Hội đã được Quốc hội giao chủ trì xây dựng luật Trưng cầu ý dân và Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Tại kỳ họp thứ 10, ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua luật Trưng cầu ý dân với tỷ lệ nhất trí cao (86,23% tổng số đại biểu tán thành). Đây là dự án Luật thứ hai mà Hội Luật gia Việt Nam được Quốc hội tin tưởng, giao chủ trì xây dựng thành công trong hai nhiệm kỳ kế tiếp nhau (trước đó trong nhiệm kỳ khóa XII là dự án luật Trọng tài thương mại). Kết quả này góp phần khẳng định năng lực và uy tín của Hội Luật gia Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao chủ trì xây dựng văn bản luật nói riêng và trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật nói chung.

Bên cạnh đó là công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở. Đây là một lĩnh vực hoạt động quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam, đã được các cấp Hội chủ động triển khai thường xuyên và hiệu quả. Các trung tâm tư vấn pháp luật tiếp tục được củng cố, kiện toàn và thành lập mới.

Trong nhiệm kỳ qua, các trung tâm tư vấn pháp luật của các địa phương đã thực hiện tư vấn pháp luật được gần 400.000 vụ việc và trợ giúp pháp lý được hơn 107.000 vụ việc.

Về công tác tư vấn giải quyết khiếu nại, trong nhiệm kỳ khóa XII, các cấp Hội Luật gia đã thực hiện tư vấn giải quyết khiếu nại được gần 27.500 vụ việc.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong giai đoạn 2014 – 2019 cũng được đẩy mạnh. Thực hiện công tác đối ngoại nhân dân để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, với tư cách là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hội đã vận động, thuyết phục được hai tổ chức này kịp thời ra các tuyên bố vào các thời điểm cần thiết để ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Ngoài nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát, phản biện xã hội, giám sát việc thi hành pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên mà Hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện rất tốt, trong nhiệm kỳ qua, Hội còn thực hiện tốt một số nhiệm vụ mới do Đảng và Nhà nước giao, trong đó nổi bật là việc: Thực hiện tốt các nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật trong khuôn khổ Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” và chủ trì xây dựng Đề án “Xây dựng bộ chỉ số tư pháp”.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền.

Trong suốt nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông. Vậy những hội thảo đó đã mang lại những kết quả gì trong công tác đối ngoại?

Ngoài việc đề nghị IADL và COLAP ra tuyên bố như nói ở trên, tại các hội nghị thường niên của IADLvà COLAP, Hội Luật gia Việt Nam đều cố gắng đề xuất đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị những nội dung thảo luận về vấn đề Biển Đông. Trên cơ sở đó, ra Tuyên bố chung của hội nghị, trong đó có một phần nội dung về vấn đề Biển Đông.

Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, Hội Luật gia Việt Nam đã vận động được Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức ba cuộc hội thảo quốc tế riêng biệt về vấn đề Biển Đông với chủ đề: “Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông”. Cụ thể: Năm 2017 hội thảo được tổ chức tại Nhật Bản với sự phối hợp của Hiệp hội luật gia đoàn kết Nhật Bản; năm 2018 và 2019 tổ chức tại Nga, với sự phối hợp của Tổ chức Quỹ con đường hòa bình của Nga. Điểm thành công nhất sau ba hội thảo nêu trên là Hội Luật gia Việt Nam đã đề nghị được Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức hội nghị về Biển Đông theo cơ chế thường niên. Đây sẽ là một dịp thuận lợi để Hội tiếp tục tận dụng cơ chế hội nghị này cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Hội cũng đã phối hợp với đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và học viện Ngoại giao tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề Biển Đông (10 cuộc với học viện Ngoại giao và 2 cuộc với đại học Luật TP.Hồ Chí Minh). Các cuộc hội thảo này đã thu hút hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước tham dự và là diễn đàn khoa học có ý nghĩa thiết thực để các chuyên gia, học giả Việt Nam giới thiệu quan điểm của ta về vấn đề chủ quyền biển đảo, đồng thời góp phần giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ những tác động và ảnh hưởng tiêu cực do hành động vi phạm luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc gây ra đối với hòa bình, an ninh trong khu vực.

Vì những thành tích nêu trên, Hội Luật gia Việt Nam đã 3 năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tặng cờ thi đua là đơn vị đi đầu trong công tác đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại được tặng bằng khen cá nhân về công tác này.

Thưa Chủ tịch, việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với một số bộ, ngành, đoàn thể đã có những hiệu quả ra sao?

Trong nhiệm kỳ qua, ngoài việc ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp số 01 và chương trình phối hợp số 02 về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở như đã nêu ở phần trên, Hội Luật gia Việt Nam đã ký kết và triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với bộ Tư pháp, bộ Tài nguyên và Môi trường, hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, liên đoàn Luật sư Việt Nam, liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam... Hiện nay, các chương trình phối hợp này đang được các cấp Hội tích cực thực hiện, được các đơn vị phối hợp đánh giá cao.

Cuối cùng xin Chủ tịch cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm nào được đặt ra cho nhiệm kỳ mới 2019-2024?

Trong 5 năm tới, theo dự báo của Đảng và Nhà nước ta, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển vẫn là xu thế lớn. Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa. 5 năm tới cũng là thời gian toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu kết thúc thắng lợi việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong bối cảnh đó, các cấp hội cần phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Luật gia Việt Nam vững mạnh toàn diện, phát triển đội ngũ luật gia Việt Nam theo sáu chuẩn mực đạo đức của Hội viên Hội Luật gia Việt Nam, trong đó, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý, phát huy vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, cần củng cố và kiện toàn tổ chức Hội. Tiếp tục phát triển Hội Luật gia cấp huyện theo quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 19-KL/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 08/CT của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu trong nhiệm kỳ thành lập mới được từ 100 trở lên Hội Luật gia cấp quận, huyện và các chi hội luật gia trực thuộc tỉnh, thành hội. Về hội viên, chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong nhiệm kỳ kết nạp từ 7.000 trở lên hội viên mới, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí: Giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; Công tác tham gia cải cách Tư pháp, cải cách hành chính; Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật