Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xâm nhập "vương quốc đại xà": Sự "biến mất" khó tin của rắn chúa

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Cách thành phố Hà Nội khoảng 40km, đi theo quốc lộ 32, làng Phụng Thượng thuộc huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là ngôi làng nổi tiếng với nghề nuôi rắn hổ mang.

(ĐSPL) - Cách thành phố Hà Nội khoảng 40km, đi theo quốc lộ 32, làng Phụng Thượng thuộc huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là ngôi làng nổi tiếng với nghề nuôi rắn hổ mang. Điều đặc biệt hơn, đây còn là nơi nuôi nhốt loài rắn được mệnh danh là "đại xà" vua của các loại rắn – rắn hổ mang chúa.

Vốn đã được nghe danh tiếng của làng Phụng Thượng về nghề nuôi rắn, một buổi sáng cuối thu điểm chút nắng nhẹ, chúng tôi về làng Phụng Thượng để tìm hiểu rõ hơn nghề nuôi rắn hổ mang nguy hiểm và để được "mục sở thị" vua của những loài rắn – rắn hổ mang chúa.

Xâm nhập “vương quốc đại xà”

Làng Phụng Thượng được chia thành nhiều thôn nhỏ: Thôn Nam, thôn Đông, Thôn Tây… thôn nào cũng có không ít thì nhiều hộ gia đình nuôi rắn. Theo như chúng tôi được biết, rắn hổ mang chúa là loài rắn quý hiếm, đang được bảo vệ. Pháp luật cấm buôn bán, sở hữu loài rắn này. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân việc làng Phụng Thượng bấy lâu nay dù nổi tiếng với nghề nuôi rắn hổ mang chúa nhưng đều nuôi một cách lén lút, buôn bán bí mật.

Khi chúng tôi tới làng Phụng Thượng, hỏi thăm về nghề nuôi rắn hổ mang thì người dân ở đầy đều lắc đầu phủ nhận: “Ở đây giờ có ai nuôi nữa đâu”, hoặc những cái cười trừ kèm theo đó là những ánh mắt dò xét, hồ nghi, cảnh giác.

Hỏi thăm không đạt kết quả, chúng tôi đành "nhập vai" thành những người đi học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang. Ghé vào quán nước bên đường, với bộ dạng buồn bã của người muốn đi học nghề nuôi rắn mà không thành. Sau một hồi bộc bạch mục đích đến đây, chúng tôi được người chủ quán nước tên T. cho biết: Khoảng chục năm về trước thì đúng là nơi đây nuôi toàn rắn hổ mang chúa, nhưng bây giờ chính quyền nghiêm cấm, tịch thu nhiều quá nên cũng ít nhà nuôi. Chủ yếu họ nuôi rắn hổ mang phì để lấy thịt, bán cho các nhà hàng.

Khi tôi ngỏ ý rằng muốn anh Tùng dẫn đến một nhà nuôi rắn hổ chúa để xem thì anh này từ chối và nói rằng: “Họ có nuôi hổ mang chúa nhưng cũng không cho xem đâu vì họ sợ, chỉ nuôi bí mật thôi, muốn xem thì chỉ xem được rắn hổ mang phì”.

Được sự chỉ dẫn của chủ quán nước, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn H. là người được giới thiệu đã có 10 năm trong nghê nuôi rắn. Giống như những người dân nơi đây, khi gặp chúng tôi, anh H nghi hoặc hỏi chúng tôi ở đâu, vào đây có việc gì. Sau khi trình bày mong muốn được tìm hiểu về nghề nuôi rắn, đặc biệt là rắn hổ mang chúa, anh H. đã cởi mở hơn và bắt đầu trò chuyện về nghề.

Anh H. kể: “Tôi nuôi rắn đã được 10 năm rồi, ngày xưa có nuôi rắn hổ chúa và cả hổ phì, nhưng sau này thấy người ta cấm, có người còn bị bắt nên thôi, không dám nuôi nữa. Nuôi rắn hổ mang chúa nguy hiểm lắm, sơ suất là bị cắn. Trước đây nhiều ngươi làng này đã chết vì bị cắn rồi”.

“Hiện tai tôi chỉ nuôi rắn hổ phì thôi, nhiều khi cũng nguy hiểm nhưng chưa bằng được hổ mang chúa” nói xong anh H. liền chìa ngón tay giữa bị rắn cắn cho chúng tôi xem. Quả thực tôi phải rùng mình khi thấy ngón tay của anh bị dị dạng, co rút lại, vẫn còn in vết răng nanh của rắn.

Anh H. đã dẫn chúng tôi đi xem “vương quốc” rắn. Quả thực nơi nuôi rắn rất kín đáo, anh H. đã xây hai lớp cửa ngoài để phòng sự cố rắn sổng chuồng bò ra ngoài. Hiện tại đang là mùa rắn ngủ đông nên anh tranh thủ dọn chuồng rắn. Chuồng rắn thực ra chỉ như một cái hộp nhỏ, được xây lại bằng gạch. Có rất nhiều chuồng như thế, mỗi chuồng đều có một cánh cửa được bịt bằng tấm lưới sắt để thông thoáng và an toàn.

Chuồng rắn hổ mang.

Để chúng tôi tường tận hơn, anh H. mở cửa chuồng cho xem tận mắt con rắn hổ mang phì. Con rắn đen xì, to, nằm cuộn tròn trong một cái chuồng nhỏ xíu, thỉnh thoảng lại phát ra tiếng “phì” giống như tiếng thở của con bò khiến chúng tôi thấy sởn gai ốc.

Theo lời anh H., hiện tại anh chỉ nuôi rắn hổ mang phì với số lượng lên đến hơn 500 con, lớn có, bé có. Trước kia anh phải đi mua giống, nhưng sau này đã học được cách phối giống cho rắn, đến mùa sinh sản chỉ cần đưa trứng rắn đi ấp.

Khi được chúng tôi nài nỉ, xin anh được cho xem rắn hổ mang chúa, anh H. cười nhăn nhó khẳng định: “Gia đình tôi không nuôi từ lâu lắm rồi. Nguy hiểm lắm”.

Vì miếng cơm manh áo, phải sống chung với “tử thần”

Anh H. chia sẻ: “Khoảng chục năm trước, khi ấy chính quyền còn chưa cấm gắt gao thì việc nuôi rắn và vận chuyển đến nơi tiêu thụ rất dễ dàng. Nhiều người nuôi rắn hổ chúa vì nguồn lợi rất cao, chủ yếu hàng được đưa sang Trung Quốc. Nghe nói bên đó họ chuộng rắn hổ chúa vì chữa được nhiều bệnh. Ở bên mình thì ít hơn, chủ yếu bán rắn hổ phì cho nhà hàng”.

Xem video:

Hành trình truy tìm rắn độc ở Việt Nam

“Một vài năm trở lại đây, chính quyền cấm nhiều quá, có nhiều người bị bắt, thậm chí bị khởi tố nên nhiều nhà cũng sợ không dám nuôi nữa, hoặc vẫn nuôi nhưng nuôi bí mật chỉ bán cho mối hàng quen thôi, những người như các cậu có hỏi đến mấy họ cũng nói là không có”.

Bị cấm nuôi vẫn còn là chuyện nhỏ, cái nguy hiểm lớn nhất mà những người nuôi rắn gặp phải là bị rắn căn. "Chỉ một sơ xuất nhỏ thôi cũng có thể mất mạng như chơi”, anh H. nói. Rắn hổ chúa có nộc độc ghê gớm, tiếp sau đó là rắn hổ phì, chỉ cần một phát cắn, nếu không kịp thời cứu chữa có thể mất mạng.

Rắn hổ phì.

Theo như lời anh H., nguy hiểm nhất là công đoạn cho rắn ăn, lúc đó phải đeo găng tay dày, đeo kính và bịt khẩu trang vì rắn có thể cắn bất cứ lúc nào. Rắn hổ mang rất dữ, nhất là vào mùa sinh sản, hiện tại đang là mùa ngủ đông nên rắn có phần hiền hơn. Loài rắn rất nhanh nhậy và dễ bị kích động, thường những người nuôi không ai là không tránh khỏi việc bị rắn cắn, người nào ít thì cũng một lần, không vài ba lần là chuyện rất bình thường.

"Như tôi đã từng có hơn chục năm trong nghề này rồi mà vừa rồi khi cho nó ăn chẳng may nó cắn cho một cái vào ngón tay mà giờ ngón tay tôi nó như vậy này. Nó cắn vào những chỗ dễ băng bó thì còn đỡ, chứ nó mà cắn vào đầu hay ngực thì đúng là chịu chết luôn, vì những chỗ như thế không có cách nào băng bó để nọc khỏi chạy đến những chỗ khác. Những người chẳng may bị rắn cắn vào đó thì chỉ có chờ chết thôi.", anh H. chia sẻ.

Theo kinh nghiệm nuôi rắn lâu năm của anh H., khi bị rắn cắn thì nhanh chóng băng bó để chống nọc độc chạy và phải nhanh chóng đưa đi đến những người biết chữa trị để hút hết nọc độc ra. Chỉ cần chậm một chút là coi như mất tính mạng, điều trị bị rắn cắn là rất lâu mới khỏi được vì nọc của loài rắn này là cực kì độc.

Anh nói tiếp: "Loài rắn hổ phì này nó có đặc điểm là khi bị kích động là hay phì độc để dọa đối phương, nên mỗi khi cho chúng ăn, người nuôi phải đeo kính chứ chẳng may nó phì vào mắt thì mù thôi. Chuồng nuôi bây giờ toàn thiết kế theo kiểu cao dần lên nên mỗi khi cho ăn chỉ cần manh động cái là nó phi thẳng vào mặt mình ngay. Dù có lợi là tiết kiệm được diện tích chuồng trại, nhưng đổi lại thì không thuận tiện cho việc nuôi và nguy hiểm hơn so với kiểu chuồng xây hầm dưới đất".

"Cái nghề này không phải ai cũng dám nuôi đâu, phải là những người mạnh bạo thì mới nuôi được, khác gì mình ăn ngủ với nó đâu." - anh H. bộc bạch.

Người nuôi rắn này cho biết, giá tiền của một kg rắn hổ mang phì trong khoảng 500 -600 nghìn một cân. So với trước đây giá đã giảm đi nhiều, không bằng nuôi rắn hổ mang chúa.

Quang Thụy

Tin nổi bật