Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sẽ tiến hành xem xét để giải đáp về những ngờ vực liên quan hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 từ liên danh AstraZeneca - Oxford
Một nhân viên y tế chuẩn bị bơm kim tiêm với liều tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca-Oxford. Ảnh: Reuters |
Sau khi vaccine ngừa COVID-19 của liên danh AstraZeneca - Oxford được phê duyệt ở nhiều nước nhờ hiệu quả được báo cáo là cao, đã xuất hiện một số phàn nàn về hiệu quả liên quan lứa tuổi tiêm và hiệu quả của nó đối với biến thể của virus corona đến từ Nam Phi.
Hôm 7/2, chính quyền Nam Phi đã quyết định ngừng sử dụng vaccine trên và chờ đợi khuyến cáo của các nhà khoa học về các bước tiếp theo.
Quyết định của Nam Phi dựa trên kết quả thử nghiệm do Đại học Witwatersrand tại Johannesburg (Nam Phi) thực hiện, cho thấy vaccine của AstraZeneca chỉ có hiệu quả phòng ngừa ở mức 22% đối với biến thể của virus ghi nhận tại Nam Phi.
Trong số các biến thể virus SARS-CoV-2, có 3 chủng hiện đang được các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng quan tâm nhất, là Anh, Nam Phi và Brazil - dường như lây lan nhanh hơn những biến thể khác.
Để chương trình tiêm chủng không bị gián đoạn, Nam Phi sẽ dùng hai mẫu vaccine của Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson, hai mẫu vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại nước này.
Việc vaccine của AstraZeneca cho hiệu quả kém với một chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra hoang mang diện rộng. Thế giới hiện rất lo ngại trước ba biến chủng, một xuất phát từ Anh, một từ Nam Phi và một từ Brazil, do chúng có tốc độ lây lan cao.
Đến nay cũng có nhiều nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Hi Lạp có những khuyến cáo về sử dụng vaccine AstraZeneca cho người cao tuổi.
Để giải đáp về những ngờ vực liên quan hiệu quả của vaccine AstraZeneca-Oxford với người cao tuổi và đối với biến chủng Nam Phi, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bắt đầu xem xét chuyện này từ ngày 8/2.
Hồi tháng 11/2020, liên danh AstraZeneca - Oxford từng cho biết vaccine COVID-19 của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Đến ngày 5/2 vừa qua, ĐH Oxford còn công bố thông tin khẳng định vaccine của họ có hiệu quả tương tự đối với biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh cũng như đối với các biến thể đã lưu hành trước đó.
Mộc Miên (T/h)