Theo AFP, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh bảo "sai lầm" nếu xem Omicron là biến thể nhẹ, trong bối cảnh nhiều nước nới lỏng quy định phòng dịch.
"Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn so với Delta, đặc biệt ở những người đã được tiêm chủng, nhưng điều đó không có nghĩa nó nên được phân loại là nhẹ", ông Tedros phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/1 (giờ địa phương).
Tổng giám đốc WHO cho hay, mức tăng kỷ lục ca nhiễm biến chủng Omicron đồng nghĩa các bệnh viện đang bị quá tải. "Thực tế, sóng lây nhiễm rất lớn và nhanh chóng, áp đảo các hệ thống y tế trên toàn thế giới", ông nói thêm.
WHO cảnh bảo làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron có thể áp đảo các hệ thống y tế trên thế giới. Ảnh minh họa
Cho rằng biến thể Omicron lây lan nhanh nhưng không nguy hiểm, nhiều nước đã nới lỏng quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ Áo ngày 6/1 cho biết sẽ áp đặt các biện pháp phòng dịch mới từ ngày 9/1 tới, trong đó có giảm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày, yêu cầu đeo khẩu trang nơi đông người và giới hạn thời gian hiệu lực của chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 là 6 tháng.
Tại Bồ Đào Nha, học sinh sẽ được phép trở lại trường từ tuần tới và các câu lạc bộ ban đêm sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 14/1. Từ ngày 10/1 tới, chỉ những người nhiễm virus và những người sống cùng họ cần phải cách ly, trong khi những người đã tiêm mũi tăng cường không cần cách ly. Tất cả hành khách đi bằng đường hàng không đến Bồ Đào Nha vẫn cần có xét nghiệm âm tính.
Trong khi đó, Israel quyết định xóa tên 8 quốc gia khỏi danh sách nguy cơ cao về COVID-19 từ 22h00 ngày 6/1. Bộ Y tế nước này cho biết quyết định trên được đưa ra là vì biến thể Omciron lây lan nhanh nhưng không gây nhiều nguy hiểm.
Gần 9,5 triệu ca COVID-19 mới được báo cáo cho WHO tuần qua, tăng 71% so với tuần trước đó và là mức tăng kỷ lục. Tuy nhiên, WHO cho rằng con số này chưa phản ánh chính xác bởi tình trạng tồn đọng xét nghiệm sau dịp lễ Giáng sinh, năm mới, các xét nghiệm dương tính không được thống kê và những trường hợp bị bỏ sót do hệ thống giám sát quá tải.
Theo dữ liệu thống kê trên worldometer, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2,1 triệu ca nhiễm COVID-19 và trên 5.900 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm toàn cầu hiện đã vượt 300 triệu ca, trong đó có hơn 5,48 triệu người đã thiệt mạng.
Hoa Vũ (T/h)