Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vui Tết đầm ấm, xoa dịu nỗi đau da cam...

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Đến bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) trong những ngày Tết đang cận kề, chúng tôi ghé thăm làng Hòa Bình, nơi hơn 60 đứa trẻ khuyết tật mang nỗi đau da cam.

(ĐSPL) - Đến bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) trong những ngày Tết đang cận kề, chúng tôi ghé thăm làng Hòa Bình, nơi hơn 60 đứa trẻ khuyết tật mang nỗi đau da cam đang được mọi người cưu mang.

Vào những dịp Tết đến xuân về, các y bác sỹ phối hợp cùng các thanh niên tình nguyện, nhà hảo tâm luôn tổ chức các buổi vui chơi đầm ấm để xoa dịu nỗi đau da cam cho những số phận kém may mắn.

Mái ấm tình người

Mái ấm Làng Hòa Bình có hơn 60 số phận, từ sơ sinh đến 30 tuổi. Hầu hết các em bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra. Nhiều bà mẹ đã hóa điên ngay lần đầu tiên nhìn thấy đứa con mà mình đứt ruột sinh ra... Các em không chỉ là nỗi đau, mà còn là nỗi sợ hãi của các ông bố, bà mẹ. Trước cảnh các em bị chính cha mẹ đẻ chối từ, các y bác sỹ của làng Hòa Bình trong bệnh viện Từ Dũ đã giang rộng vòng tay nhân ái.

“Chúng tôi coi các em như con đẻ. Mọi người làm việc bằng cả tấm lòng, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho các em. Nhìn bọn trẻ tội nghiệp như vậy nên ai cũng thương,...”, đó là lời tâm sự của bác sỹ Nguyễn Đắc Minh Châu (Trưởng khoa Phục hồi chức năng) ở làng Hòa Bình.

Các bé ở đây đều mang những dị tật bẩm sinh. Tội nghiệp nhất là những em vừa dị tật vừa thiểu năng trí tuệ, chỉ duy trì đời sống thực vật. Có em 8 tuổi nhưng chỉ bé bằng một đứa trẻ 9 tháng, lại phải mang trên thân hình yếu ớt ấy một cái đầu quá khổ, gấp ba lần trọng lượng cơ thể. Dường như, đây là một thế giới khác vô cùng đặc biệt, một thế giới có những đứa trẻ không nói, không cười, nhưng vẫn cảm nhận được tình yêu thương.

“Các em dễ thương, ngây thơ, hồn nhiên và cũng tinh ranh, kiểu trẻ con. Việc chăm sóc nhiều khi cũng rất vất vả nhưng nghĩ tới sự thiệt thòi của các cháu là chị em chúng tôi càng yêu thương các cháu hơn”, chị Hương (người chăm sóc các cháu) bày tỏ.

Các em được tạo tối đa điều kiện để hồi phục chức năng. Với những em không bị ảnh hưởng về não thì đều được đến trường. Mặc dù, có hoàn cảnh đặc biệt cũng như sự thiếu hụt về thể chất lẫn tinh thần, nhưng các em đều rất cố gắng.

Đa phần, khi đưa đến trường, các em đều học trung bình khá trở lên. Với một đứa trẻ bình thường, việc học đã là vất vả thì với các em học tập khó khăn gấp trăm lần. Các em phải mất nhiều thời gian để thích nghi với cuộc sống, vượt qua mặc cảm và nỗi cô đơn.

Ngoài việc học chữ, các em còn được học thêm vi tính và ngoại ngữ. Ban Giám đốc làng trẻ phấn đấu làm sao khi đến tuổi 20 sẽ cho các em hòa nhập cộng đồng. Em nào có khả năng học hành sẽ được hướng vào các nghề phù hợp với sức khỏe.

Trong số đó, một số em đạt được nhiều thành công và đang làm việc tại bệnh viện như Trần Thị Hoan, Thái Mỹ Phương,... Ngoài ra, trong năm học 2014 - 2015 em Trần Minh An (SN 1995) đã trúng tuyển vào trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, là tấm gương sáng cho các em nhỏ noi theo.

Ban Giám đốc bệnh viện trao tặng bằng khen cho em Minh An  (ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Tết của những tấm lòng

Thương các em thiệt thòi nên mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các bà mẹ của làng trẻ Hòa Bình lại thêm phần lo lắng. Bởi những dịp này, không khí tết nhất nhộn nhịp, các cháu cũng rất háo hức. Nếu không tổ chức vui Tết, các em sẽ buồn và tủi thân.

Bác sỹ Nguyễn Đắc Minh Châu cho hay: “Để tránh sự buồn tủi của các con, vào những dịp lễ Tết, các y bác sỹ của bệnh viện cùng phối hợp với đoàn tình nguyện, các em sinh viên tổ chức các buổi giao lưu đón Tết. Thường thì chúng tôi sẽ tổ chức vui chơi ngay tại khuôn viên bệnh viện vì một số em không thể ra ngoài lâu”.

“Tuy nhiên, để các con cảm nhận một các đầy đủ nhất hương vị của cái Tết, chúng tôi thường phối hợp với các đoàn sinh viên tình nguyện cũng như các nhà hảo tâm tổ chức ngoài công viên hay đi thăm thú một số điểm vui chơi. Bọn trẻ dù đứa nào cũng khá mệt nhưng các cháu rất vui và hào hứng.

Những lần như vậy, mỗi cô phải kèm một em. Nhiều thanh niên tình nguyện cũng nhiệt tình tham gia hỗ trợ, các em rất mừng, bọn nhỏ cứ đòi bế, đòi cõng và nép vào các anh chị thanh niên tình nguyện đầy quyến luyến... Ngoài ra, những dịp này, nhiều nhà hảo tâm đến thăm, mang bánh chưng, mứt kẹo với đầy đủ hương vị của một cái Tết nên các em rất vui và hồ hởi”, bác sỹ Châu cho biết thêm.

Tuy nhiên, trong không khí ấy, một số em bé vẫn có cảm giác buồn, đôi mắt chúng cứ nháo nhác nhìn khắp nơi để tìm cha mẹ. Sở dĩ, những em đó, khi sinh ra bị khuyết tật, nhưng vì thương con, bố mẹ chúng không nỡ để con ở lại. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình nghèo, bố mẹ không đủ điều kiện cũng như cách chăm sóc cho cháu, nên sau đó họ quay lại gửi các em nhờ bệnh viện nuôi dưỡng.

Khi đó, có bố mẹ hứa với con sẽ đến thăm, có bố mẹ hứa cuối năm sẽ đưa các con về. Nhưng cuối cùng, những người quay trở lại thăm con lại vô cùng hiếm hoi khiến bọn trẻ chờ đợi trong vô vọng.

Một số trẻ mang nỗi đau da cam tại làng Hòa Bình.

Biết được hoàn cảnh của các em như vậy nên các y bác sỹ, những bà mẹ tại làng Hòa Bình vô cùng thương yêu các bé. Các em sống hoàn toàn bằng nguồn tiền của bệnh viện và nhờ tấm lòng của các nhà hảo tâm.

Bác sỹ Minh Châu cũng cho biết: “Hoàn cảnh của các em rất tội nghiệp. Mặc dù, tôi chỉ mới tới đây chịu trách nhiệm chăm sóc các cháu một vài năm, nhưng trước đó tôi đã theo dõi và biết về các em từ rất lâu rồi.

Khi được ban Giám đốc bệnh viện giao cho việc tiếp quản làng Hòa Bình này, tôi rất vui mừng vì được gần gũi và chăm lo các em hơn... Tôi hy vọng rằng, tình thương của các y, bác sỹ, của các bà mẹ tại đây, phần nào giúp các em vơi đi nỗi đau, cảm nhận được tình thương để tự tin hơn trong cuộc sống,...”.

Được sự hỗ trợ của Cộng hòa Liên bang Đức cũng như Ủy ban Nghiên cứu chất độc hóa học Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh, năm 1988, làng trẻ em Hòa Bình ra đời, sau sự kiện ca mổ thành công đầu tiên tại Việt Nam của bệnh viện Từ Dũ, tách đôi cặp song sinh dính liền Việt - Đức.

Hằng năm, có khoảng 20-30 trẻ dị tật bẩm sinh ra đời tại bệnh viện Từ Dũ bị cha mẹ bỏ rơi. Những em bé dị tật ở đây, hầu hết thuộc những gia đình có bố mẹ sống ít nhất 10 năm trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ rải xuống Việt Nam.

Chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó. Rất nhiều em có cuộc sống ngắn ngủi như ngọn nến. Điều các em cần nhất không phải chỉ là cơm ăn áo mặc mà là có được tình yêu thương và một niềm tin vào cuộc sống.

Tin nổi bật