Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vừa "rã đông" doanh nghiệp vận tải lại lạnh người vì xăng tăng vọt: "Có muốn tăng giá cước thì cũng rất khó..."

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Trong bối cảnh giá xăng tăng vọt nhưng nhu cầu đi lại thấp, các doanh nghiệp vận tải mong mỏi chính phủ có những cơ chế, chính sách hữu hiệu để "rã đông" sau thời gian dài đóng băng vì dịch COVID-19.

Từ chiều ngày 23/11, Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu. Cụ thể, xăng E5 RON 92 ở mức 23.110 đồng/lít, xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng/lít -ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua.

Giá xăng dầu tăng mạnh tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người dân vì các doanh nghiệp vận tải mới chỉ được hoạt động trở lại ít lâu sau nhiều tháng phải tạm "đóng băng" vì giãn cách xã hội.

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng cho biết, thực tế trong năm nay, đây không phải lần đầu tiên giá xăng điều chỉnh tăng. Là chủ doanh nghiệp vận hành nhà xe hoạt động chuyên tuyến Hải Phòng – Hà Nội, theo ông Hải, giá xăng tăng “phi mã” cộng với việc phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khiến chi phí vận tải đội lên đáng kể.

“Tình hình dịch bệnh khiến các hoạt động vận tải gần như tê liệt, kể cả khi xe khách được hoạt động thì nhu cầu đi lại cũng không cao. Chúng tôi có muốn tăng giá cước thì cũng rất khó nhưng nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng như hiện nay, doanh nghiệp buộc lòng phải điều chỉnh”, ông Hải cho biết.

Cùng nói về vấn đề trên, ông Nguyễn Công Hùng  - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định, các doanh nghiệp vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh cước trong bối cảnh giá xăng tăng ở mức kỷ lục như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc điều chỉnh giá cước sẽ dẫn tới hệ luỵ là phản ứng tiêu cực của khách hàng.

“2 năm qua chúng tôi đã gần như không hoạt động, và phải nói là kiệt quệ về tài chính. Giờ giá xăng tăng, nếu không tăng giá cước thì sẽ không đủ bù vào chi phí hoạt động và dĩ nhiên sẽ chảy máu nhân sự”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhấn mạnh.

Phân tích thêm, ông Hùng cho biết hiện Hà Nội mới cho xe taxi hoạt động chở lại với tần xuất 50% số phương tiện và 50% số chỗ ngồi. Trong khi đó lượng khách hiện tại chỉ đạt từ 15%-20% so với trước dịch và hiện các doanh nghiệp taxi của Hà Nội cũng mới chỉ đưa ra được khoảng 45%-50% số phương tiện để phục vụ vì không có lái xe. Việc đứt gãy chuỗi lao động này do thời gian giãn cách kéo dài nên lái xe đã chuyển nghề khác ổn định tại các địa phương.

Đối với các tài xế thuộc các hãng taxi công nghệ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đà tăng “phi mã” của giá xăng. Một tài xế cho biết theo tính toán mỗi ngày, tài xế này mất thêm khoảng 20.000 đồng tiền xăng, gián tiếp dẫn tới việc giảm thu nhập chung.

Các hoạt động vận tải hành khách gần như tê liệt suốt nhiều tháng vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Doanh nghiệp đề xuất gì?

Trong bối cảnh giá xăng tăng vọt quá cao, trong khi nhu cầu đi lại thấp, các doanh nghiệp vận tải đề xuất chính phủ cần tiến hành các cơ chế, chính sách riêng nhằm bình ổn giá.

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải đã đến lúc chính phủ cần sử dụng đến quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Cá nhân tôi nghĩ rằng Nhà nước nên sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để ổn định mức giá nguyên liệu. Bởi lẽ nếu cứ để giá xăng dầu tăng cao như vậy thì sẽ kéo theo nhiều chi phí khác cũng tăng theo, gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Hải nói.

Khi được hỏi về các gói hỗ trợ doanh nghiệp mà chính phủ đã ban hành, ông Hải cho biết doanh nghiệp vận tải của ông vẫn chưa được tiếp cận tới các chính sách hỗ trợ.

“Nhìn chung doanh nghiệp chúng tôi chưa nhận được hỗ trợ gì, ngoài việc được giảm một chút phí bảo trì đường bộ, trong khi đó thực tế phương tiện không hoạt động", ông Hải bộc bạch.

Đề cập tới các giải pháp nhằm “hạ nhiệt” giá xăng trong nước, ông Nguyễn Công Hùng nhấn mạnh việc tăng giá thực tế do giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, giá xăng, dầu trong nước được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó, có yếu tố phải "cõng" phí bảo vệ môi trường gần 4.000 đồng/lít xăng..

“Trên thị trường giờ có 2 loại xăng, trong đó bản thân loại xăng E5 đã là xăng bảo vệ môi trường rồi, vì vậy tôi cho rằng Nhà nước nên miễn giảm phí môi trường cho nó thì sẽ giúp giảm giá xăng dầu, giảm giá thành nguyên liệu”, ông Hùng đề xuất.

Ngoài ra, ông Nguyễn Công Hùng thẳng thắn cho rằng cần các chính sách mang tính chất “miễn hoàn toàn”, chứ không chỉ đơn thuần là “giảm một phần”.

“Ví dụ như các doanh nghiệp vận tải phải ngừng hoạt động nhiều tháng nay nhưng vẫn phải nộp 70% phí bảo trì đường bộ. Tôi nghĩ đây là vấn đề cần phải xem xét lại, bởi phương tiện của chúng tôi hoàn toàn không lăn bánh mà vẫn phải trả phí bảo trì đường bộ”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định.

Đối với vận tải hàng không, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chống chọi qua "cơn bão đại dịch" COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đã có kiến nghị bộ Kế hoạch và Đầu tư các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31/12/2021...

Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải hàng không Việt Nam cũng đề xuất mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không, cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.

Trên thực tế, dễ dàng nhận thấy giá xăng tăng tác động to lớn tới tiến trình khôi phục, phát triển kinh tế sau dịch COVID-19. Vì vậy, chính phủ, trong đó đặc biệt là liên Bộ Tài chính - Công Thương cần phải đưa ra các biện pháp hữu hiệu để điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian tới. 

Một trong những biện pháp tích cực điều chỉnh giá xăng đó là Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021  đã điều chỉnh cứ 10 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu một lần chứ không phải 15 ngày như Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 103/2021/TT-BTC hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng là biện pháp mạnh giúp ổn định giá xăng dầu trong nước, đảm bảo cho các doanh nghiệp và người dân không bị tác động quá nhiều khi giá xăng, dầu lên xuống liên tục như thời gian qua.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nhóm PV

Tin nổi bật