Ngày 24/3, Điện Elysee thông báo chuyến thăm Pháp của Vua Charles III đã bị hoãn, trong bối cảnh nổ ra làn sóng biểu tình rầm rộ trên khắp nước Pháp để phản đối luật cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.
"Quyết định này được các chính phủ Pháp và Anh đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp và Nhà Vua Anh sáng nay. Chuyến thăm cấp nhà nước này sẽ được lên kế hoạch lại sớm nhất có thể”, Điện Elysee cho biết.
Người biểu tình cầm pháo sáng tại Nice, Pháp ngày 23/3. Ảnh: Reuters
Phát biểu với kênh truyền hình CNews vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin thông tin, tổng cộng 457 người đã bị lực lượng chức năng bắt giữ trong cuộc tổng đình công và biểu tình, trong khi 441 nhân viên an ninh bị thương khi xung đột với những người biểu tình quá khích.
Cũng theo ông Gerald Darmanin, người biểu tình đã cho đốt hơn 900 điểm xung quanh Paris vào ngày 23/3. Ở phía Tây Nam TP Bordeaux, những người biểu tình đã đốt cháy lối vào tòa thị chính.
"Tại sao các bạn lại biến tòa nhà chung của chúng ta, của tất cả người dân Bordeaux thành mục tiêu? Tôi lên án điều đó bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể" - ông Pierre Hurmic, Thị trưởng Bordeaux, nói.
Trước đó, bất chấp các ý kiến phản đối dẫn tới các cuộc biểu tình và đình công liên tiếp trong thời gian gần đây, Tổng thống Emmanuel Macron ngày 22/3 tuyên bố luật cải cách chế độ hưu trí sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Theo luật này, tuổi nghỉ hưu được nâng từ 62 lên 64 vào năm 2030 và áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu. Bên cạnh đó, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.
Ông Macron đã ra lệnh cho Thủ tướng Elisabeth Borne viện dẫn một quyền lực hiến pháp đặc biệt giúp kế hoạch của ông không cần Hạ viện bỏ phiếu thông qua.
Tổng thống lập luận rằng việc yêu cầu người dân ở Pháp làm việc thêm hai năm nữa là cần thiết để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế của đất nước, cũng như ngăn hệ thống lương hưu của nước này rơi vào tình trạng thâm hụt khi dân số già đi.
Mộc Miên (T/h)