Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ vải thiều Bắc Giang năm 2021: 3 kịch bản ứng phó giữa dịch COVID-19 và chuyến đầu tiên xuất sang nhật Bản

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cùng với việc vải thiều chuẩn bị vào đợt thu hoạch chính, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện những phương án, kế hoạch cụ thể cho mùa vụ vải thiều năm 2021.

Vải thiều Bắc Giang đang bước vào vụ thu hoạch chính.

Chiều ngày 26/5, trả lời PV Đời sống & Pháp luật, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã xây dựng các kịch bản cụ thể cho mùa vụ vải thiều năm 2021 và xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn trước dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là vùng trồng vải ở huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn, nhằm đảm bảo quả vải thiều chất lượng, an toàn phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Tuấn: "Hôm nay (26/5-PV) chuyến vải thiều sớm đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, một thị trường lớn, tiềm năng, có yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, là một minh chứng khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều".

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ngay từ đầu năm 2021 sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, các huyện Lục Ngạn, Tân Yên (Bắc Giang) đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tập trung sản xuất vùng vải thiều.

Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp vào ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Giá vải các doanh nghiệp thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân là 55.000 đồng/kg.

Cùng thông tin về việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương Bắc Giang) cho biết, tình hình tiêu thụ vải thiều đang được chính quyền địa phương quan tâm.

Theo ông Thọ, mùa thu hoạch vải thiều đang cận kề, dự kiến tuần sau vải sẽ chín rộ. Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020. Trong đó, vải chín sớm đạt hơn 6.000 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Riêng tại huyện Lục Ngạn - một trong hai "vựa" vải của Bắc Giang, sản lượng vải đạt khoảng 120.000 tấn. Huyện này lên kế hoạch tiêu thụ nội địa khoảng 67.000 tấn, chế biến 23.000 tấn và 32.000 tấn dành cho xuất khẩu.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tại buổi lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản. Ảnh: ttkhuyencong.bacgiang.gov.vn

Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại cũng cho hay, ngoài việc xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch COVID-19, kiểm soát chặt dịch bệnh và chủ động kết nối với thị trường tiêu thụ lớn, Bắc Giang cũng tổ chức dán tem "không COVID-19" trước khi đưa các lô vải thiều đi tiêu thụ.

"Quả vải được xuất đi qua luồng xanh, luồng ưu tiên và được ban quản lý cửa khẩu cử cán bộ làm trước giờ hành chính, tạo điều kiện làm các thủ tục thông quan trước cho quả vải, khi quả vải xuất khẩu đi hết rồi mới đến các loại hàng hóa khác", ông Thọ nói.

Theo đại diện sở Công thương Bắc Giang, thị trường xuất khẩu chính cho quả vải Bắc Giang vẫn là Trung Quốc, số ít còn lại sẽ xuất sang Nhật Bản, Australia, Singapore...

Theo đó, giá bán vải sớm tiêu thụ tại Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc (khu vực tiếp giáp tỉnh Lào Cai) dao động 22 - 30 nhân dân tệ (72.000 - 108.000 đồng/kg).

Tại các tỉnh khác Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc (khu vực tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn) dao động 20 - 25 nhân dân tệ/kg (tương đương 72.000 - 90.000 đồng/kg).

Tính đến hết ngày 24/5, tổng sản lượng tiêu thụ vải ước đạt 3.716 tấn, giá bình quân 20.000 - 27.000 đồng/kg, có nơi 35.000 đồng/kg.

Hiện đã có 1.728 tấn vải thiều được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai. Còn lại là thị trường tiêu thụ trong nước, tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh…

Tại thị trường trong nước, vải thiều Bắc Giang cũng được bày bán trên kệ của hệ thống Big C. Tương tự, các hệ thống bán lẻ lớn VinCommerce, MM Mega Market, Saigon Co.op cũng đã sẵn sàng tiêu thụ nông sản trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, tỉnh cũng thúc đẩy kênh bán trên các website trực tuyến như: dacsanlucngan, vaithieubacgiang, các sàn thương mại điện tử Lazada, Sendo…

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch tiêu thụ vải thiều cùng nhiều giải pháp hỗ trợ việc mua/bán vải.

Kế hoạch tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang được xây dựng với 3 kịch bản.

Theo kịch bản một, dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu.

Ở trường hợp này, vải được tiêu thụ tại thị trường trong nước sẽ tập trung tại các chợ đầu mối; tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị; doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử. Thị trường xuất khẩu gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Mỹ, EU…

Với kịch bản 2, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước (khoảng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn).

Vải tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền (TP.HCM), Long Biên (Hà Nội), Hòa Cường (Đà Nẵng)… sản lượng khoảng 55.000 tấn; các tập đoàn phân phối lớn 20.000 tấn; sàn thương mại điện tử 2.000 tấn; chợ truyền thống 13.000 tấn và một phần vải dành để sấy khô.

Ở kịch bản 3, dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Cụ thể, sẽ tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn 80.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu 30.000 tấn. Số còn lại tiêu thụ tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại; để sấy khô và chế biến khác.

Ngày 26/5, tỉnh Bắc Giang tổ chức xuất chuyến vải thiều sớm Tân Yên đến thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không, với số lượng khoảng 20 tấn. Chất lượng vải thiều của Bắc Giang được đánh giá vượt trội, an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đẹp về màu sắc, hương vị. Hiện các doanh nghiệp ở Nhật Bản đang háo hức nóng lòng chờ quả vải đầu tiên của Bắc Giang.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Thủy Tiên

Tin nổi bật