Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Chánh tòa Ba Vì nói gì về đơn yêu cầu giải quyết hậu quả?

(DS&PL) -

Chánh án Tòa án nhân dân Ba Vì cho hay, việc hai gia đình nhận lại con ruột còn vướng mắc một số thủ tục pháp lý.

Chánh án Tòa án nhân dân Ba Vì cho hay, việc hai gia đình nhận lại con ruột còn vướng mắc một số thủ tục pháp lý.

Mới đây, vụ việc Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho hai sản phụ cách đây 6 năm thu hút sự quan tâm của dư luận. Sự việc được gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, ở Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội), người đang nuôi cháu Phùng Thanh H. phát hiện cách đây 6 tháng.

Bệnh viện đa khoa Ba Vì, nơi xảy ra vụ trao nhầm con cách đây 6 năm.

Tuy nhiên, hai gia đình bị trao nhầm con và bệnh viện vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. Anh Sơn đã gửi đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện Ba Vì giải quyết.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thưởng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Vì cho biết đã nhận được đơn của anh Phùng Giang Sơn đề nghị giải quyết sự việc trao nhầm con.

“Nếu hai gia đình và bệnh viện có thể hòa giải, thống nhất với nhau là tốt nhất. Vì việc đưa nhau ra tòa sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống các gia đình và hai cháu sau này. Trường hợp các bên đưa ra tòa chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định pháp luật”, ông Thưởng cho hay.

Theo đại diện TAND Ba Vì, việc trao lại con cho hai gia đình hiện tại gặp một số vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý. Bởi vì, hai vợ chồng chị Hương đã ly hôn, quyết định tòa án ghi rất rõ cháu Đoàn Nhật M. là con chung của vợ chồng chị Hương.

“Chúng tôi phải kiến nghị lên Tòa án cấp cao Hà Nội tái thẩm lại, bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn. Như vậy mới có thể xét xử và trao con về đúng với bố mẹ các cháu.

Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm ADN hiện nay chỉ là một văn bản thông báo, chưa đủ căn cứ pháp lý. Đơn vị xét nghiệm phải có văn bản xác nhận kết luận này là chính xác chúng tôi mới có căn cứ để xử lý”, ông Thưởng nói.

Hai vợ chồng chị Hương đã ly hôn, một phần lý do vì con không giống bố.

6 năm trước, vào khoảng 7h10 phút ngày 1/11/2012, vợ anh Sơn là chị Phùng Thị Thu Hiền hạ sinh một bé trai tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Sau sinh, chị Hiền được một nữ hộ sinh gọi tên và trao con. Khi đó, thấy tã lót lạ cuốn trên người con, gia đình anh Sơn có thắc mắc nhưng nhân viên y tế khẳng định tã lót đó đúng là của gia đình. Khi rời viện về nhà, hai vợ chồng anh Sơn đặt tên con là Phùng Thanh H.

Con trai anh Sơn càng lớn, anh càng nhận thấy có những điểm không giống bố, cũng chẳng giống mẹ hoặc những người thân hại bên nội ngoại.

Cho đến đầu năm 2018, một người quen của anh Sơn khi đi đến thôn Phú Mỹ A (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) có việc, nhìn thấy một đứa trẻ rất giống với anh Sơn. Sau đó, người quen này có đem câu chuyện kể lại cho anh Sơn nghe, từ đó anh Sơn bắt đầu nghi ngờ và quyết định đi thử ADN.

Kết quả xét nghiệm khiến cả gia đình anh Sơn đều sốc khi đứa con anh hết mực yêu thương từ trước đến nay không cùng huyết thống với mình.

Ngay sau đó, gia đình anh Sơn đã đến thôn Phú Mỹ gặp chị Vũ Thị Hương (SN 1983, mẹ cháu Đoàn Nhật M.). Qua nói chuyện thì được biết chị Hương cũng sinh cùng ngày với vợ anh Sơn, chỉ trước đó có vài phút.

Nghi ngờ hai đứa trẻ sinh ngày 1/11/2012 bị trao nhầm, anh Sơn đã lấy mẫu tóc đi xét nghiệm, kết quả cho thấy 99,9% cháu bé mà chị Hương đang chăm sóc có cùng huyết thống với vợ chồng anh Sơn.

Khi có kết quả xét nghiệm, cả hai gia đình đã đến Bệnh viện Đa khoa Ba Vì để làm rõ mọi chuyện. Qua rà soát sự việc và kết quả xét nghiệm, phía bệnh viện thừa nhận, ngày 1/11/2012 nữ hộ sinh của bệnh viện đã trao nhầm con.

Thanh Bình

Tin nổi bật