Ông Công Văn Mão (anh trai họ) của phi công Công Phương Thảo, bày tỏ sự xúc động khi bước đầu có thông tin tìm thấy hài cốt của em trai trong vụ máy bay MIG21 mất tích cách đây 47 năm.
Điều ít biết về phi công Công Phương Thảo
Theo tin từ TTXVN, ngày 26/9, đoàn công tác do Thượng tá Nguyễn Trung Thành (Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên chỉ huy) đã phát hiện vị trí máy bay MIG21 huấn luyện gặp nạn cách đỉnh núi Tam Đảo (vị trí giáp ranh hai tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) khoảng 130m.
Phi công người Nga, Đại úy Yuri Poyarkov và phi công Công Phương Thảo (phải) mất tích trong chuyến bay huấn luyện 47 năm trước. |
Ngày 28/9, đoàn phát hiện và cất bốc được hai bộ hài cốt nằm cách nhau khoảng 20m, trong đó một bộ hài cốt có đặc điểm xương to hơn người châu Á. Hai bộ hài cốt được nhận định có thể là hài cốt của phi công Yuri Poyarkov (Liên Xô cũ) và liệt sĩ phi công Công Phương Thảo (Việt Nam), hy sinh ngày 30/4/1971, trong khi bay huấn luyện máy bay MiG-21U.
Trước thông tin này, PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến nhà thờ họ của họ Công (Một dòng họ lớn ở đường Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) – nơi đây có một người đàn ông trung tuổi đang thắp hương ban thờ.
[presscloud]4677[/presscloud]
Vừa thắp xong nén nhang trên bàn thờ, người đàn ông này cho hay mình là Công Văn Mão (anh họ con bác ruột của phi công Công Phương Thảo) - PV, ông phụ trách trông coi nhà thờ họ. Trong đó, trên bàn thờ có di ảnh hai cụ thân sinh phi công Công Phương Thảo và di ảnh của liệt sĩ phi công Công Phương Thảo.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Công Văn Mão cho biết những ngày này, ông cùng mọi người trong gia đình bận rộn đón tiếp người thân, bạn bè đến hỏi thăm, thắp hương sau thông tin tìm được hài cốt sau nhiều năm mất tích.
Ông Công Văn Mão chia sẻ với PV về phi công Công Phương Thảo. |
Nhắc đến phi công Công Phương Thảo, ông Công Văn Mão không giấu nổi những cảm xúc: “Tôi tuy là anh nhưng kém chú Thảo nhiều tuổi, hồi chú ấy đi bộ đội thì tôi mới được 8 tuổi. Tuy nhiên, những gì về chú Thảo tôi đều ghi nhớ. Chú ấy sống thiếu thốn tình cảm gia đình từ nhỏ, khi chú Thảo được 2 tuổi thì bố của Thảo hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Đến khi Thảo được 3 tuổi thì mẹ mất. Từ đó, Thảo được bố mẹ tôi nhận nuôi và ở với chúng tôi, bố mẹ coi chú ấy như con đẻ”.
Ông Mão cho hay, phi công Công Phương Thảo SN 1949, năm 1965 ông nhập ngũ. Năm 1965-1967 phi công Công Phương Thảo là học viên dự khóa bay. Năm 1967-1970 là học viên bay trường Không quân Liên Xô. Năm 1970-1971 là phi công tiêm kích MIG21 Trung đoàn Không quân 921 thuộc Binh chủng Không quân đóng quân trên căn cứ Đa Phúc. Phi công Công Phương Thảo hy sinh ngày 30/4/1971.
Những bức ảnh lưu niệm của liệt sĩ, phi công Công Phương Thảo được ông Mão lưu giữ cẩn thận. |
“Phi công Công Phương Thảo là người sống rất hiền lành, bố tuy là liệt sĩ, được hưởng chính sách ưu tiên không phải đi bộ đội nhưng chú Thảo vẫn đăng ký đi bộ đội. Với tôi, chú Thảo là một con người luôn luôn sống hết mình vì mọi người. Khi biết Thảo được chọn làm phi công, cả gia đình ai cũng tự hào”, ông Mão nói về người em trai với tất cả tình thương yêu.
Khi biết thông tin thấy hài cốt có thể là của em trai mình, ông Mão bộc bạch: “Tôi và cả gia đình, dòng họ cảm thấy xúc động khi biết tin tìm thấy hài cốt thất lạc hơn 47 năm, có phải là em trai hay không thì còn chờ cơ quan chức năng giám định, nhưng 47 năm qua, tôi và cả gia đình vẫn chưa khi nào quên, hay thôi ngóng tin em”.
Ký ức về em trai vẫn còn nguyên vẹn
47 năm trước, gia đình ông Mão nhận được giấy báo tử của phi công Công Phương Thảo, khi đó ai cũng xót lòng và đều không muốn tin.
“Cuối năm 1971, sau khi nhận được giấy báo tử của chú Thảo, chúng tôi nhiều lần đến Quân chủng Phòng không Không quân đề nghị tìm hài cốt của chú Thảo. Nhưng thời điểm đó, vì chiến tranh, phía Quân chủng cũng đã tìm nhiều chuyến bay, nhưng không thể thấy hài cốt được, lúc đó rừng núi cũng hiểm trở nên đành chấp nhận… Từ đó đến nay sau mấy chục năm tôi vẫn luôn trăn trở, đau đáu tìm hài cốt của em”, ông Mão tâm sự.
Ông Mão lật giở từng trang tư liệu viết về em trai. |
Khi nhận giấy báo tử, tất cả quần áo, trang thiết bị của phi công Công Phương Thảo được đơn vị gửi về cho gia đình: “Tôi cất giữ coi như đó là những kỷ vật vô giá. Và sau khi có thông tin tìm thấy hai bộ hài cốt mới đây, gia đình tôi cũng đã có người trực tiếp lên Thái Nguyên”.
Với ông Mão, những kỷ niệm, kỷ vật về người em giờ đây là kỷ vật vô giá. |
Trong ký ức của ông Công Văn Mão, người em họ thân thiết của mình là người hiền lành, được bạn bè yêu mến. Ông Mão cũng có kỷ niệm khó quên với liệt sĩ phi công Công Phương Thảo: “Khi Công Phương Thảo đi học ở Liên Xô về, lúc đó tôi mới 8 tuổi, Thảo 23 tuổi nên lúc nào cũng gọi Thảo là anh. Hai chúng tôi đi chơi khắp họ hàng, làng xóm, tôi cứ đu trên tay của chú Thảo mà đi, vừa chơi vừa phát kẹo. Ngày đấy, chú Thảo đi sang trời Tây về nên ai cũng ngưỡng mộ. Thêm nữa, đến Tết sau khi Thảo đi học bay ở Liên Xô về thì cả gia đình đã có một cái Tết đầm ấm với Công Phương Thảo và đó là cái Tết mà tôi sẽ không bao giờ quên được”.
Những tấm bằng huân chương kháng chiến được ông Mão cất giữ cẩn thận. |
Ông Mão cũng cho biết không quân là nghề đặc thù, chính vì thế Công Phương Thảo cũng ít khi được về chơi với gia đình dài ngày.
Hy sinh ở độ tuổi còn trẻ, chưa có gia đình riêng và chịu thiệt thòi khi bố mẹ qua đời sớm. Chính vì thế, trong suốt cuộc trò chuyện với PV, ông Mão luôn nhắc về em bằng một tình yêu thương của anh dành cho người em đã khuất. Những bức ảnh, kỷ vật của liệt sĩ phi công Công Phương Thảo là những kỷ vật vô giá, ông Mão bảo rằng ông sẽ lưu giữ lại, như một món quà kỷ niệm của người em trai dành cho cả dòng họ.
Thanh Lam
Theo Người Đưa Tin