Đóng

Vụ tai nạn liên hoàn ở Hà Nội, 1 người tử vong: Tài xế say xỉn có thể đối diện với mức án nào?

  • Thành Lâm
(DS&PL) -

Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận tối cùng ngày đã uống rượu cùng bạn bè; sau đó điều khiển ô tô đi về và do buồn ngủ nên đã gây ra tai nạn.

Khởi tố, bắt tạm giam tài xế "xe điên" gây tai nạn liên hoàn

Ngày 17/7, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng tài xế Lê Minh Giáp (SN 1984, trú tại phường Yên Nghĩa, Hà Nội) để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". 

Trước đó, khoảng 20h05 ngày 16/7, Lê Minh Giáp điều khiển xe ô tô BKS 30K- 730.12 trên đường Nguyễn Trác (hướng đi khu đô thị Đô Nghĩa).

Hiện trường vụ tai nạn.

Khi đi đến tòa CT7K - Khu đô thị Dương Nội, phường Dương Nội; Giáp ngủ gật nên đã đâm vào 01 xe mô tô đi cùng chiều phía trước.

Tài xế Lê Minh Giáp.

Sau va chạm, Giáp tỉnh dậy, hoảng loạn nên đạp nhầm vào chân ga làm xe ô tô tăng tốc, đi nhanh về phía trước rồi tiếp tục đâm vào 4 xe mô tô, 2 xe ô tô dừng đỗ ở sát lề đường phải theo hướng di chuyển thì xe dừng lại.

Vụ va chạm làm anh Đ.Q.V (SN: 1984, trú tại phường Dương Nội, TP Hà Nội, đang điều khiển mô tô) tử vong tại chỗ; chị L.T.H.G (SN: 1995, trú tại phường Hà Đông, TP Hà Nội; đang điều khiển xe mô tô chở theo 2 con) bị gãy chân; 2 con chị L.T.H.G được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nhi Hà Nội (1 cháu SN 2019 bị xây sát, một cháu SN 2022 bị chấn thương sọ não).

Cái giá phải trả khi coi thường quy định pháp luật

Trao đổi với PV ĐS&PL, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, trong vụ việc tài xế gây tai nạn ở phường Dương Nội, Hà Nội với nồng độ cồn vượt quá 2,2 lần mức “kịch khung” và gây tại nạn chết người, người điều khiển phương tiện có thể đối mặt với bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định (2,2 lần) mức tối đa cho phép đồng thời gây ra hậu quả chết người và thiệt hại tài sản cho nhiều phương tiện khác căn cứ theo khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm và phải bồi thường dân sự cho nạn nhân và gia đình nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

Trong vụ việc tài xế điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về giao thông đường bộ.

         Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Tuy nhiên hành vi sử dụng rượu, bia vượt quá ngưỡng cho phép khi điều khiển phương tiện đã được quy định là tình tiết định khung tại điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù. Do đó, trong quá trình xét xử có thể không  xem hành vi vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng là tình tiết tăng nặng nhưng trong thực tiễn xét xử, tình tiết đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như nồng độ cồn vượt xa mức cho phép (gấp đôi, gấp ba…) có thể là căn cứ để hội đồng xét xử xem xét trong quá trình lượng hình.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tài xế sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, pháp luật hiện hành vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện và siết chặt hơn nữa. Mặc dù Nghị định 168/2024/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự đã có quy định nghiêm khắc, song việc xử lý hiện nay vẫn chủ yếu theo hướng “hậu quả xảy ra mới truy cứu hình sự”.

Trong khi đó, nhiều trường hợp tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng rất cao, lái xe lạng lách, vượt đèn đỏ, gây nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng nhưng nếu chưa gây tai nạn thì chỉ bị xử phạt hành chính. Theo ông Bình, đây là khoảng trống cần được khắc phục.

Pháp luật nên bổ sung quy định cho phép xử lý hình sự các hành vi có tính chất đặc biệt nguy hiểm – dù chưa gây hậu quả – để tăng tính răn đe và phòng ngừa sớm. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế tái phạm bị xử lý nghiêm hơn, như: xử lý hình sự nếu vi phạm nồng độ cồn từ lần thứ hai trở lên trong một khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, cần mở rộng trách nhiệm sang cả chủ doanh nghiệp vận tải, đơn vị sử dụng tài xế, hoặc các cơ sở phục vụ rượu bia nếu có dấu hiệu tiếp tay cho hành vi vi phạm. Việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên, áp dụng công nghệ giám sát giao thông, và đẩy mạnh giáo dục pháp luật, truyền thông thay đổi hành vi cũng là giải pháp quan trọng giúp hình thành văn hóa “đã uống rượu – không lái xe”, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Tin nổi bật