“Báo chí không nên thổi bùng việc nữ Giám đốc Sở bẻ hoa anh đào như một sự vụ có tính chất nghiêm trọng” – Luật sư Trần Đình Triển nhận định.
Vừa qua, vụ việc nữ Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận – bà Phạm Thị Minh Hiếu cầm hoa mai anh đào chụp ảnh trong khuôn viên lễ hội hoa ở hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã gây nhiều ý kiến tranh cãi trong dư luận. Và trước yêu cầu của cơ quan, ngày 6/3, bà Hiếu đã có buổi giải trình với cán bộ công chức nơi mình công tác. Cụ thể, theo bà thuật lại thì người bẻ cành hoa là tài xế của cơ quan. Còn bà thì vô tư cầm hoa chụp ảnh với suy nghĩ rất chủ quan. Khi đi về đến đường bê tông, gặp một tốp thanh niên đi xuống, thấy bà cầm hoa đào, những người này quy chụp cho bà là bẻ hoa, nói những lời lẽ khó nghe.
Hình ảnh bà Hiếu cầm hoa mai anh đào chụp ảnh tại lễ hội hoa gây nhiều ý kiến tranh cãi. Ảnh: internet. |
“Lúc đó tôi rất nóng, không xử lý được tình huống. Tôi có nói: Em làm gì ở đây, em quản lý ở đây hả, em cho chị xem giấy tờ…Lúc đó thanh niên này nói rất to tiếng, còn anh kia cầm máy ảnh chụp.Chuyện này tôi không đôi co làm gì, quay lưng bỏ ra xe rất nhanh… Diễn biến là như thế, nhưng câu chuyện trên mạng xã hội lại khác” – Bà Hiếu thuật lại trong đơn giải trình.
Gần kết thúc buổi họp giải trình, bà Hiếu đứng dậy nhắc nhở công chức trong cơ quan đừng nên suy nghĩ tiêu cực là bà có lỗi phải điều tra, kỷ luật gì cả, vì ở đây không có biển cấm hái, cấm bẻ hoa, và đây là một chuyện rất nhỏ.
Sau đó, tại cuộc họp chiều 10/3, trên cơ sở báo cáo của Sở Tư pháp Bình Thuận và giải trình của bà Hiếu, UBND tỉnh nhận định, việc làm của bà Hiếu dù tự tay hay người khác bẻ hoa đưa cho thì với tư cách lãnh đạo trong đoàn, bà phải có động tác ngăn cản. Còn thái độ và cách phát ngôn của bà Hiếu với những người nhắc nhở là thiếu thận trọng, thiếu tế nhị. Việc phát ngôn của bà Hiếu ngày 6/3 tại cơ quan Sở Tư pháp là không phù hợp với văn hóa ứng xử.
UBND tỉnh cho rằng, thiệt hại về vật chất là không lớn nhưng làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh cá nhân, của cơ quan, địa phương gây phản ứng gay gắt trong dư luận xã hội. Theo đó, ông Nguyễn Đức Hòa chỉ đạo yêu cầu bà Hiếu phải công khai xin lỗi một cách cầu thị, thành khẩn trên báo chí và nhóm thanh niên đã trực tiếp góp ý tại hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt.
Ngày 11/3 vừa qua, trong thư xin lỗi gửi các cơ quan báo chí, bà Hiếu thừa nhận đã sai về sự việc bẻ hoa cũng như thái độ ứng xử chưa đúng mực với nhóm thanh niên ở hồ Tuyền Lâm...
Bà Hiếu bày tỏ rất lấy làm tiếc đã gây ra dư luận không tốt trong những ngày qua, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến tập thể cơ quan, địa phương...
Luật sư Trần Đình Triển. |
Chia sẻ quan điểm về vụ việc của nữ Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận, Luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng Luật sư Vì Dân) cho rằng, hành vi bẻ hoa ở lễ hội hoa hay ở các khu vực công cộng vốn là không nên vì sẽ xâm phạm tới cảnh quan chung. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận khách quan rằng, vụ việc của bà Hiếu là có sai phạm nhưng sai phạm không lớn; chỉ nên dừng ở mức nhắc nhở, rút kinh nghiệm; hoặc cùng lắm là xử phạt hành chính chứ chưa đến mức phải đưa ra công luận rồi đánh giá, bình xét.
“Trong cuộc sống đời thường, cán bộ cũng như dân – đôi khi khó tránh khỏi sai phạm. Tuy nhiên, với sai phạm ở mức độ không quá lớn như tình huống nêu trên thì tôi nghĩ, báo chí đã có phần hơi quá đà khi “thổi bùng” vụ việc như một vấn đề có tính chất vô cùng nghiêm trọng. Bằng chứng là liên tục trong nhiều ngày, hàng loạt báo đưa tin về vụ việc của bà Hiếu như một vụ sai phạm cần được xử lý nghiêm, minh bạch đến cùng trước công luận. Trong khi đó, cuộc sống dân sinh còn vô vàn các vấn đề khác quan trọng hơn cần được phản ánh và quan tâm. Thiết nghĩ, mọi chuyện cũng nên dừng lại ở giới hạn của nó thì hợp lý hơn” – luật sư Trần Đình Triển cho hay.
HÀ TRANG