(ĐSPL) - Một số bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội đã ngấm ngầm sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa "hết đát" mượn của doanh nghiệp bên ngoài để phục vụ quá trình khám chữa bệnh.
Tiếp tục những diễn biến mới nhất liên quan đến sự việc "động trời" này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn khẳng định sẽ có văn bản đề nghị cơ quan công an làm rõ việc có hay không giả mạo giấy tờ, gian lận thương mại trong nhập khẩu lô máy trên. Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, lãnh đạo PC46 (Công an TP. Hà Nội) cho biết, cơ quan CSĐT cũng đang tiến hành điều tra, xác minh để đưa sự việc chấn động trên ra ánh sáng.
Nhiều dấu hiệu hình sự
Tại cuộc ra quân cách đây ít ngày của lực lượng liên ngành TP. Hà Nội, một sự thực "động trời" đã được phát lộ - một số lượng không nhỏ máy xét nghiệm sinh hóa "hết đát" đã được "tuồn" vào Việt Nam dưới mác "hàng nhập khẩu mới 100\%". Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, Hoài Đức, và mới đây là Sơn Tây, Vân Đình (Hà Nội). Đó là những cái tên đầu tiên được xướng lên trong "scandal" chấn động này. Một dòng thiết bị y tế cũ rích đã bị cấm nhập khẩu từ lâu nhưng chẳng hiểu vì sao nó vẫn được “tuồn” vào những bệnh viện này?
Cái tên tiếp theo được nhắc đến là công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản (trụ sở tại Hà Nội), đơn vị trúng gói thầu "Mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm". Được biết, đây là gói thầu do Sở Y tế Hà Nội quản lý, có giá trị khoảng 30 tỉ đồng nhằm trang bị cho 10 bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Hà Tây cũ. Theo tìm hiểu của PV, trong số các thiết bị được công ty cung cấp có 6 máy phân tích sinh hóa tự động trả trên 180 kết quả/giờ (model GA240, hãng sản xuất Greiner Diagnostic GbmH của Đức) có giá trúng thầu 648 triệu đồng/máy.
Sẽ hoàn toàn bình thường nếu số máy trên là hàng "xịn", được nhập nguyên đai nguyên kiện, đằng này thực chất lại là "đầu dê, ruột lừa". Vỏ bọc là máy Đức nhưng mở bên trong thấy hầu hết là đồ "made in China". Dù mới đưa vào sử dụng được vài năm, số thiết bị trên đã "dở chứng", hoạt động rất "tậm tịt", thậm chí có chiếc phải sửa tới 35 lần trong... hai năm. Một sự lãng phí vô cùng lớn đối với ngân sách Nhà nước.
Thoạt nghe có thể thấy nguồn gốc số máy trên là hoàn toàn hợp pháp và tương đối rõ ràng, thế nhưng lật giở lại hồ sơ, PV phát hiện ra không ít sự thực chấn động, thực tế số thiết bị trên được mua đi bán lại qua nhiều "ông chủ". Công ty cổ phần XNK khoáng sản mua lại từ công ty Tâm Long (Hà Nội), trong khi Tâm Long trước đó mua lại của công ty TNHH Bình Mai. Và đây chính là đầu mối của câu chuyện. Nghi án về việc làm giả hồ sơ, giấy tờ nhập khẩu cũng bắt đầu phát lộ từ đó.
Ngày 1/6/2010, công ty TNHH Bình Mai mở tờ khai hải quan tại chi cục Hải quan Bắc Hà Nội nhập khẩu lô hàng gồm 6 chiếc máy trên với giá 2,147 tỉ đồng. Thế nhưng, đến ngày 2/8, bộ Y tế mới chính thức cấp giấy phép cho phép công ty trên nhập khẩu các thiết bị này. Như vậy, từ trước đó hai tháng, công ty Bình Mai đã nhập khẩu lô hàng trên. Điều đó đồng nghĩa với việc công ty trên đã "tuồn" hàng vào Việt Nam khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép (!?)
|
Nhiều thiết bị y tế cũ nát đã được "tuồn" vào Việt Nam. |
Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng
Việc cơ quan chức năng bị "qua mặt" đã khiến những thiết bị y tế kiểu "đầu dê, ruột lừa" biến thành những cỗ máy moi tiền người bệnh và cho ra lò những bản kết quả chẩn đoán tù mù, không chính xác khiến dư luận quan ngại hơn bao giờ hết. Trong sự việc lần này, không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan chức năng, trong đó có tiếng nói của báo giới đã gấp rút tiến hành thu thập chứng cứ và đang từng bước đưa sự việc ra ánh sáng.
Trong một diễn biến mới nhất, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46, Công an TP.Hà Nội) xác nhận, cơ quan CSĐT đang phối hợp với Bộ Y tế để điều tra, làm rõ vụ việc. Theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra xác định có những dấu hiệu cho thấy có việc làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, có dấu hiệu bất thường liên quan đến việc mua đi bán lại máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240. Lãnh đạo PC46 cũng khẳng định nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nhìn nhận về "scandal" chấn động lần này, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Đỗ Toàn Thắng (đoàn LS TP. Hà Nội) đặc biệt đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí. Theo LS. Thắng, chính điều tra của các phóng viên đã phanh phui sự việc và bước đầu giúp cơ quan chức năng điều tra, xác minh. Căn cứ theo phản ánh thì công ty TNHH Bình Mai đã có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan Nhà nước. Điều này thể hiện ở nghịch lý, khi chưa được Bộ Y tế cấp phép, công ty trên đã nhập khẩu lô thiết bị vào Việt Nam.
Luật sư Thắng cho rằng, việc xác minh dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ sẽ được tiến hành theo trình tự của pháp luật. Từ những hồ sơ thu thập được, cơ quan điều tra có thể tiến hành giám định tờ giấy phép nhập khẩu có dấu hiệu bị làm giả chữ ký để xác minh thật giả, từ đó, xem xét trách nhiệm của cá nhân cụ thể. Nếu xác minh đúng, cá nhân vi phạm đã phạm vào tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức được quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Cũng trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Minh Diễn (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, sự việc trên có mức độ vô cùng nghiêm trọng, bởi những thiết bị y tế "quá đát" được tuồn vào các bệnh viện sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn. Dưới cái mác hiện đại, những thiết bị này sẽ biến thành những cỗ máy moi tiền người bệnh và cho ra lò những bản kết quả chẩn đoán không chính xác. Điều dễ hiểu là thiết bị lạc hậu khi vận hành tất sẽ cho kết quả chẩn đoán sai, ảnh hưởng đến việc chỉ định điều trị của thầy thuốc. Theo Luật sư Diễn, cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, phục vụ cho quá trình điều tra, đưa sự việc ra ánh sáng.
Bộ trưởng Bộ Y tế bất ngờ vì chữ ký trên 2 giấy phép nhập khẩu Trong một diễn biến khác, trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra bất ngờ với việc lô thiết bị y tế Greiner GA240 nhập vào Việt Nam có hai tờ giấy phép nhập khẩu cùng một số 5087 nhưng thời gian ký khác nhau: Tháng 6/2010 và tháng 8/2010, cùng do bà Nguyễn Thị Kim Tiến (khi đó là Thứ trưởng) ký. Bà Kim Tiến cho biết sẽ có văn bản đề nghị cơ quan công an làm rõ việc có hay không giả mạo giấy tờ, gian lận thương mại trong nhập khẩu lô máy xét nghiệm nói trên, có hay không việc nhà nhập khẩu nhập thiết bị về trước rồi sau đó mới hợp thức hóa thủ tục. Nghi vấn “hàng” về trước, hợp thức hoá giấy tờ sau?! Nghi ngờ "tuồn" hàng vào trước rồi mới hợp thức hóa giấy tờ càng được củng cố khi tại báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội gửi Bộ Y tế, lãnh đạo Sở này cho biết, máy xét nghiệm sinh hóa GA240 bàn giao tháng 7/2010, được đưa vào sử dụng ngay. Như vậy, nếu tính từ thời điểm bắt đầu bàn giao thì phải đến một tháng sau, Bộ Y tế mới cấp phép nhập khẩu thiết bị này. |