Trong số 10 bị can, có 4 bị can nguyên là cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, gồm: Đỗ Thị Lưu (sinh năm 1969, Trưởng Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356, Bộ luật Hình sự).
Nguyễn Minh Huệ (sinh năm 1980, điều dưỡng viên Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) và Bùi Thị Hạt (sinh năm 1984, hộ lý Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) bị truy tố về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255, Bộ luật Hình sự).
Nguyễn Anh Vũ (sinh năm 1986, kỹ thuật viên Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, Bênh viện Tâm thần Trung ương I) bị truy tố về tội Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256, Bộ luật Hình sự).
Sáu bị can còn lại gồm Nguyễn Xuân Quý (sinh năm 1983, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1974, trú tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Trung Nguyên (sinh năm 1983, trú tại xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội), Nguyễn Công Thường (sinh năm 1986, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Lê Hoàng Hải (sinh năm 1986, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội), Bùi Chí Hải (sinh năm 1998, trú tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị truy tố về các tội: Tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249, Bộ luật Hình sự), Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251, Bộ luật Hình sự) và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255, Bộ luật Hình sự), theo Dân trí.
Nguyễn Xuân Quý bên trái (hàng trên). Đỗ Thị Lưu, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Thị Minh Huệ và Bùi Chí Hải từ phải qua - hàng dưới. (Ảnh: Hà Nội mới)
Người lao động dẫn cáo trạng cho hay, Nguyễn Xuân Quý là người đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Khoảng cuối năm 2020, Quý tự cải tạo buồng bệnh thêm một phòng riêng tại Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, có hệ thống loa, amply, đèn nháy phục vụ việc "bay, lắc", sử dụng ma túy.
Đáng chú ý, trong các đối tượng nhiều lần "bay lắc", sử dụng ma tuý còn có các bị can Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Thị Minh Huệ, Bùi Thị Hạt. Ngoài ra, bị can Quý còn tổ chức hệ thống gồm nhiều người khác tham gia mua bán trái phép chất ma túy ngay trong khuôn viên bệnh viện.
Để các bị can lộng hành, tổ chức "bay lắc" ngay trong bệnh viện, VKSND xác định, bác sĩ Lưu là trưởng khoa, chịu mọi trách nhiệm về công tác chuyên môn, quản lý hành chính và nhân sự của khoa. Ngoài việc điều trị tự nguyện cho bệnh nhân tâm thần, khoa của bị can Lưu còn điều trị cho 10 bị can đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, trong đó có Quý.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Xuân Quý khai khi cải tạo xong buồng bệnh thì bị can Lưu có biết và nhắc nhở, yêu cầu "ông trùm" này tháo gỡ nhưng Quý không chấp hành. Hàng tháng nộp cho bác sĩ Lưu từ 6-10 triệu đồng tiền buồng bệnh để người lạ và bạn bè vào buồng nệnh Quý không theo quy định của bệnh viện mà không bị nhắc nhở. Ngoài ra, Quý còn khai rằng từng bị trưởng khoa Lưu đe dọa sẽ nhận xét vào bệnh án là sức khỏe tốt để đi chấp hành án, không được điều trị tại khoa.
Sau khi nhận tiền của Quý, bác sĩ Lưu đưa cho tổ công đoàn 2-3 triệu đồng mỗi tháng để nhập quỹ. Tổ trưởng công đoàn có viết chi tiết các khoản thu nhưng sau đó bà Lưu chỉ đạo tiêu hủy hết sổ sách nên không thể nhớ từng khoản.
Trong quá trình điều tra, bị can Lưu khai Quý 4 lần chúc mừng khoa với tổng số tiền là 8,5 triệu đồng. Về việc Quý tự cải tạo buồng bệnh, bị can Lưu có nghe cán bộ khoa phản ánh và lên nhắc nhở nhưng Quý không thực hiện. Nguyên trưởng khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền cũng phủ nhận việc thu tiền phòng hàng tháng của Quý.
Ngoài hành vi bao che cho Quý, cảnh sát xác định bà Lưu còn lợi dụng chức vụ trưởng khoa của mình để thu, nhận tiền trái phép của bệnh nhân và người nhà họ. Bị can Lưu còn thông qua quỹ công đoàn để chia cho mỗi cán bộ, nhân viên trong khoa trung bình 600.000 đồng mỗi tháng. Nhận tiền, bị can Lưu đã chia tiền cho 38 cán bộ trong khoảng 24 tháng với tổng số 384 triệu đồng.
Việt Hương (T/h)