Thông qua chương trình “Trái tim Việt Nam”, các bị can đã huy động người dân đóng tiền cho trung tâm Hỗ trợ người nghèo để được hưởng mức lãi cao nhằm chiếm đoạt tài chính phục vụ mục đích cá nhân.
Ngày 27/7, theo thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Trần Đức Trung, Lê Thị Hằng và một số bị can khác.
Đối tượng Trần Đức Trung- nguyên Chủ tịch HĐTV trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, bị can trong vụ lừa đảo "Trái tim Việt Nam". Ảnh: Người Đưa Tin |
Theo Bộ Công an, từ phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng và đơn tố cáo của công dân về hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (thuộc hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam), Bộ Công an đã vào cuộc điều tra để làm rõ.
Sau khi xem xét, xác định có dấu hiệu tội phạm, ngày 28/3/2016, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới.
Đến nay, cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao, đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với 6 bị can.
Các đối tượng bị đề nghị truy tố gồm: Trần Đức Trung (SN 1961; HKTT tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội; chỗ ở số 72G, Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) của trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới; Lê Thị Hằng (SN 1963; HKTT tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội; chỗ ở 1201 G2 Ciputra, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc trung tâm; Bùi Thị Oanh (SN 1956; HKTT tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình; chỗ ở tại căn hộ P080605, tòa nhà Park 8, khu đô thị Park Hill-Timecity, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội); Phạm Văn Lực (SN 1978; HKTT phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; chỗ ở tại số nhà 15 Hàm Nghi, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương); Nhâm Sỹ Phúc (SN 1967; trú tại phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình); Phan Thị Thoa (SN 1989; HKTT tại xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; chỗ ở phòng 204 chung cư số 5, số 89/63 Phùng Khoang, phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Đối tượng Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng. Ảnh: Dân Việt |
Trước đó, từ tháng 11/2015, nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin về việc “Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới” núp bóng từ thiện để lừa người dân huy động tiền, nhằm chiếm đoạt tài chính phục vụ mục đích cá nhân.
Các bị can Trần Đức Trung, Lê Thị Hằng, Bùi Thị Oanh đã lợi dụng danh nghĩa Trung tâm Hỗ trợ người nghèo thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam tổ chức các chương trình “Câu lạc bộ triệu phú, tích lũy làm giàu”, “Trái tim Việt Nam”, “Liên kết ba bên”, huy động những người tham gia đóng tiền cho trung tâm để được hưởng hỗ trợ lại với mức lợi nhuận cao.
Sau khi báo chí phản ánh về sự bất thường của Trung tâm này, nhiều người dân đã tố cáo nhân viên của Trung tâm đến gặp gỡ, tư vấn cho nông dân, họ đã mồi chài rằng, nếu nộp tiền vào Trung tâm này thì sẽ được trả lãi suất cao. Cụ thể, nếu nông dân nộp 1,2 triệu đồng sau 6 tháng sẽ được hỗ trợ 5,2 triệu đồng, nếu nộp 1,9 triệu đồng sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng, nếu nộp 7,5 triệu đồng sẽ nhận hỗ trợ 50 triệu đồng... Số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.
Đã có rất nhiều nông dân nghèo ở Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An... đã nộp tiền vào Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền thì nhân viên Trung tâm mới đưa phiếu thu và bảo người dân phải ký vào tờ giấy tự nguyện tham gia đóng góp. Nhiều người cả tin đã trót dại ký vào giấy, đến khi biết mình bị lừa và đến đòi lại tiền thì không lấy được nữa.
Nguyễn Phượng (T/h)