Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ giả cảnh sát vào nhà dân đọc lệnh bắt người: 2 "hình sự dỏm" đối mặt với án phạt gì?

(DS&PL) -

Liên quan đến vụ giả cảnh sát hình sự vào nhà dân đọc lệnh bắt người ở TP.HCM, luật sư Hải nhận định, 2 "hình sự dỏm" bị phát giác, nhưng đối tượng vẫn chịu trách nhiệm..

Liên quan đến vụ giả cảnh sát hình sự vào nhà dân đọc lệnh bắt người ở TP.HCM, luật sư Hải nhận định, 2 "hình sự dỏm" bị phác giác, nhưng đối tượng vẫn chịu trách nhiệm hình sự trên số tiền dự định, mong muốn chiếm đoạt.

Chiều 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 11, TP.HCM, ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Sơn (41 tuổi, ngụ quận 7) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên) về tội Cưỡng đoạt tài sản. Đây là 2 nghi phạm giả cán bộ điều tra thuộc Cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an vào nhà dân đọc lệnh bắt người tại quận 11, TP.HCM.

Trần Văn Sơn (trái) và Trần Hồng Thái tại cơ quan công an. Ảnh: Báo Thanh Niên

Liên quan đến vấn đề pháp lý của vụ án, trả lời PV Đời sống & Pháp luật, luật sư Phạm Ngọc Hải (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho biết, đối với hành vi sử dụng trang phục công an, giấy tờ giả… để giả danh cảnh sát hình sự thì các đối tượng đã có thể bị truy cứu hình sự liên quan đến tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” quy định tại Điều 339 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên trong trường hợp này, những hành vi, thủ đoạn giả mạo được thực hiện để nhắm đến mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tài sản của nạn nhân nên các đối tượng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác” mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh về xâm phạm quyền sở hữu tương ứng.

"Cụ thể thì hành vi của các đối tượng là rất tinh vi khi giả mạo trang phục, thẻ ngành, lệnh bắt, phương tiện, vũ khí quân dụng… để khiến nạn nhân nhầm tưởng rằng các đối tượng là cảnh sát hình sự thật. Mục đích của việc giả mạo là nhằm uy hiếp tinh thần nạn nhân để trục lợi số tiền 200.000.000 đồng. Hành vi nêu trên của các đối tượng đã có dấu hiệu cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017", luật sư Hải cho hay.

Luật sư Phạm Ngọc Hải cho hay những hành vi, thủ đoạn giả mạo được thực hiện để nhắm đến mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tài sản của nạn nhân nên các đối tượng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác”

Theo luật sư Hải, về khung hình phạt được áp dụng, mặc dù các đối tượng chưa thực hiện hết các hành vi để chiếm đoạt số tiền 200.000.000 đồng như dự định ban đầu nhưng việc không thực hiện được hành vi chiếm đoạt là do các đối tượng đã bị các chiến sĩ công an phát giác, bắt quả tang. Điều này nằm ngoài ý chí chủ quan khi thực hiện tội phạm nên các đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trên số tiền dự định, mong muốn chiếm đoạt.

Với số tiền chiếm đoạt trị giá từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tại Khoản 3 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù có thể bị áp dụng là từ từ 07 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, do thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt nên mức hình phạt được áp dụng sẽ không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

"Qua vụ việc nêu trên có thể thấy rằng hành vi thực hiện tội phạm đang ngày càng trở nên tinh vi và khó nhận biết hơn khiến người dân nếu không có đủ kiến thức, tâm lý vững vàng thì rất dễ trở thành nạn nhân bị hại. Do đó, cần xử lý thật nghiêm khắc, thích đáng đối để răn đe các đối tượng đang có ý định thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội", luật sư Hải chia sẻ.

Trước đó, khoảng 22h ngày 28/8, Sơn và Thái mặc quân phục cảnh sát, mang theo súng ngắn và lái ô tô biển xanh đến nhà bà T. trên đường Nhật Tảo, phường 7, quận 11.

Đến nơi, 2 đối tượng này xưng là cán bộ thuộc Cục Cảnh sát hình sự (bộ Công an) yêu cầu khám xét và đọc lệnh bắt bà T.

Người dân xung quanh nghi vấn nên gọi điện cấp báo cho công an địa phương. Công an phường 7, quận 11 xuống hiện trường mời 2 đối tượng về trụ sở làm việc.

Giấy tờ giả của 2 "hình sự dỏm". Ảnh: Người lao động

Tại cơ quan công an Sơn khai khoảng 18h30 ngày 28/8, đối tượng gọi điện hẹn Thái đi công việc,  rồi lái ôtô biển số xanh dỏm 80B-2547 đến gần cầu An Lạc để đón. Sau khi lên xe, Thái được Sơn đưa một bộ cảnh phục và nói về kế hoạch đến nhà bà T. gây sức ép, buộc đưa tiền (dự tính khoảng 100-200 triệu đồng).

Sơn khi chọn bà T. làm "con mồi" vì trước đây bà này từng làm ăn, chuyển tiền qua lại với một người khác mà cả hai đối tượng này quen biết. Về 2 bộ cảnh phục, cầu vai, cấp hàm, biển số xanh, lệnh khám xét, bắt khẩn cấp bà T...., các đối tượng khai đều mua trên mạng.

Khi gặp bà T., cả hai "diễn" đúng kế hoạch đề ra, nhưng cuối cùng bị bại lộ.

Hoàng Yên

Tin nổi bật