Ngoài 2 nữ sinh lớp 9 bị kỷ luật buộc thôi học có thời hạn, nhà trường đã thống nhất tiếp tục xử lý đối với những em học sinh khác có liên quan đến vụ việc như đứng xem và quay clip...
Sau khi Hội đồng Kỷ luật Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) thông qua hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn đối với 2 nữ sinh lớp 9 vì đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 của trường, chiều nay, trao đổi với báo chí, thầy Trần Kim Cảnh, Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã thống nhất xử lý đối với những em học sinh khác có liên quan đến vụ việc.
Cụ thể đối với những em đứng xem và quay clip sẽ bị phê bình trước lớp, trước trường. Ngoài ra, Hội đồng kỷ luật nhà trường cũng cho các em này làm cam kết và phụ huynh các em ký tên vào.
“Nhà trường sẽ phân tích, giáo dục, cũng như nâng cao nhận thức cho các em biết nếu sau này nhìn thấy, phát hiện những vụ việc tương tự phải báo ngay cho thầy cô. Cũng như can ngăn các bạn đánh nhau, không được đứng xem”, thầy Cảnh nói.
Những em đứng xem, quay clip cũng sẽ bị kỷ luật. |
Đồng thời, thầy Cảnh cũng khẳng định, ngay trong buổi triển khai các quyết định kỷ luật sắp tới, bản thân thầy sẽ đứng ra xin lỗi.
Liên quan đến sự việc, các chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.
TS Nguyễn Đức Danh, Trưởng Khoa Khoa học Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, băn khoăn: "Không rõ Trường THCS Trần Hưng Đạo căn cứ cơ sở pháp lý nào. Tôi thấy bất ngờ về việc buộc thôi học 2 nữ sinh đến hết năm học 2017-2018 - thời gian khá dài".
Theo ông Danh, nhà trường vẫn là môi trường tốt nhất giúp trẻ hình thành và rèn luyện nhân cách. So với xã hội và gia đình - có cả 2 mặt tự giác và tự phát, tốt xấu lẫn lộn - thì nhà trường gồm đa số tác động tự giác như giảng dạy có giờ giấc, mục đích, nội dung, phương pháp…
"Ở lại trường học thêm một ngày, học được thêm một chữ vẫn tốt hơn ra ngoài xã hội vốn nhiều cạm bẫy" - ông Danh nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP HCM), cho rằng buộc thôi học chỉ là biện pháp cuối cùng của giáo dục và cũng chỉ xử lý phần ngọn. Nạn bạo lực học đường ngày càng khủng khiếp mà vẫn không có biện pháp nào giải quyết triệt để.
Mỹ An (T/h)