Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cách giáo dục học sinh cá biệt hiệu quả: Kỷ luật kết hợp với tình yêu thương

(DS&PL) -

Đối với những học sinh cá biệt, mỗi trường học có các cách giáo dục riêng. Tuy nhiên, dù áp dụng theo phương pháp nào cũng nên đảm bảo kết hợp giữa kỷ luật và tình thương

Đối với những học sinh cá biệt, mỗi trường học có các cách giáo dục riêng. Tuy nhiên, dù áp dụng theo phương pháp nào cũng nên đảm bảo kết hợp giữa kỷ luật và tình thương.

Mới đây, Hội đồng kỷ luật của Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã thống nhất hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn đến hết năm học 2017-2018 đối với 2 nữ sinh lớp 9 đã đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 cùng trường chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. Dư luận xã hội đang xôn xao về vấn đề có nên buộc thôi học đối với những học sinh đánh nhau không? Vấn đề xử lý học sinh hư hay học sinh cá biệt thế nào để vừa răn đe, vừa giáo dục được học sinh trên cơ sở tình thương?

Hai học sinh lớp 9 đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 cùng trường - Ảnh: Thanh niên.

Trước tiên, chúng ta hiểu học sinh cá biệt là gì?

Học sinh cá biệt (HSCB) chỉ những học sinh hoang nghịch thường gây gỗ đánh nhau, bỏ giờ, trốn học, không chấp hành nội qui nhà trường … thêm vào đó là sự lôi kéo của bạn bè về phía mình nhằm thỏa mãn cá tính hoặc thỏa mản nhu cầu giải tỏa tâm lý bị ức chế về hoàn cảnh của bản thân mình. Đó là hiện tượng tâm lý ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nó dễ bị lôi cuốn làm cho học sinh dễ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng và có nguy cơ phạm tội là nỗi day dứt của nhà trường, gia đình và xã hội.

Rất nhiều yếu tố làm cho HS trở thành HSCB, nhưng chúng ta chỉ đề cập đến một số nguyên nhân tác động trực tiếp đến HS, làm nảy sinh những tư tưởng, tình cảm không lành mạnh làm ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và làm hạn chế đến năng lực học tập của các em.

Xã hội phát triển theo cơ chế thị trường nó kéo theo một bộ phận không lành mạnh khác như dịch vụ giải trí không lành mạnh, phim ảnh bạo lực, tình cảm lứa đôi quá mức. Hiện nay, do sự quản lí không chặt chẽ của nhà nước, các dịch vụ bi a, internet, karaoke … được tổ chức gần trường học, lôi cuốn, hấp dẫn các em vào các trò chơi vô bổ. Các em lao vào các trò chơi đó dẫn đến bỏ giờ trốn học và những vi phạm khác. Đồng thời các kênh truyền hình chiếu một số bộ phim có mang những hình ảnh bạo lực làm cho các em dễ dàng bắt chước. Ngoài ra những tụ điểm ăn chơi hàng ngày nhan nhản, làm cho các em không tự chủ, tham gia không có ý thức dần dần tiêm nhiễm và trở thành HS hư.

Thời gian HS học tập, sinh hoạt ở trường đều có sự quản lí hướng dẫn của GVCN, GVBM, cán bộ lớp, nhà trường, đó là điều kiện để các em học tập tốt và rèn luyện nhân cách. Nhưng phần lớn thời gian các em sinh hoạt là ở gia đình: tự học, lao động, vui chơi. Với thời gian đó đối với hầu hết HS đều có thời khóa biểu học tập ở nhà, ý thức được việc học tập ở nhà là thời gian giúp các em ghi nhớ lại bài cũ, luyện tập và nghiên cứu bài mới, chuẩn bị cho ngày học hôm sau, đồng thời tham gia giúp đỡ công việc gia đình. Đó là những HS thực sự tự giác trong học tập và được sự quản lí giáo dục của gia đình. Nếu các em chưa ý thức được việc học tập, đồng thời gia đình không quan tâm và không tạo điều kiện thì việc học tập của các em không đến nơi đến chốn, chất lượng bị ảnh hưởng, các em học tập yếu, thua bạn bè dẫn đến chán học, bỏ học.

Một số biện pháp nhằm giáo dục HSCB

Giáo dục HS thông qua giờ sinh hoạt trường 

Để cho HS nắm bắt được việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm (HK) tức là những chuẩn mực các em đạt được trong quá trình rèn luyện hạnh kiểm của mình, nhà trường cần phải thông báo cho các em biết được các mức độ xếp loại HK (tốt, khá, trung bình, yếu). Hiểu được thì các em sẽ tránh được vi phạm mà các em mắc phải, để rồi các em khỏi phải bị xếp loại HK yếu, khỏi phải liệt vào danh sách HSCB.

Tổ chức cho HS thảo luận nội qui nhà trường và hướng dẫn cho các em thực hiện nội qui, có chế độ khen chê công bằng, khách quan. Trong buổi chào cờ đầu tuần, cần phải đánh giá nhận xét chu đáo, nêu gương người tốt, việc tốt để các em noi theo, hạn chế những vi phạm nội qui lớp học, trường học .

Giáo dục HS thông qua giờ sinh hoạt lớp 

Ngoài việc giáo dục HS thông qua giờ sinh hoạt trường, giờ sinh hoạt lớp (SHL) cũng rất quan trọng trong vấn đề này. Bởi vì thông qua giờ SHL, GVCN, CB lớp kịp thời uốn nắn những sai trái khuyết điểm của HS khi bị vi phạm, lấy tình cảm bạn bè, lấy nghĩa thầy trò làm cho các em thấy được khuyết điểm của mình. Đồng thời với sự chân thành của GVCN, HS trong lớp, HS khi vi phạm sẽ sớm nhận ra lỗi lầm của mình mà sửa chữa.

Trong khi giáo dục các em, GVCN không nên nặng về kiểm điểm, phê bình, mà phải tìm ra và xác định đúng nguyên nhân đã tác động đến các em làm cho các em mắc sai lầm, vi phạm, vận dụng những điều khoản trong nội qui, trong qui định xếp loại làm cho các em thấy được việc vi phạm ở mức độ nào và nêu ra hướng cho các em khắc phục. 

Kết hợp với Hội Phụ huynh (PH) HS

Hội PHHS là cầu nối giữa nhà trường, GVCN với gia đình HS. Tổ chức Hội ngoài việc giúp nhà trường xây dựng cơ sở vật chất còn góp phần cùng nhà trường giáo dục HSCB. Thường trực Hội PHHS giúp cho nhà trường, GVCN bằng cách tác động với PH để giáo dục HS từ chỗ bỏ học, trốn học đến đi học chuyên cần và học tập nghiêm túc. Mặt khác, TT Hội PHHS đã tác động đến gia đình các em để cha mẹ các em quan tâm và có trách nhiệm đối với con cái của họ hơn, từ đó sẽ hạn chế được HS hoang nghịch.

Phối hợp với các Đoàn thể và các lực lượng khác trong xã hội

Hiện nay ở nhiều địa phương đã hình thành các khu dân cư, thôn văn hóa. Đó là điều kiện tốt để các Đoàn thể cùng với nhà trường, qua đó giáo dục HS. Các Đoàn thể, chính quyền địa phương giúp cho các thành viên xây dựng gia đình văn hóa, hạn chế tình trạng cha mẹ bỏ mặc con cái đi làm ăn, những mối bất hòa trong gia đình dần dần chấm dứt, từ đó cha mẹ sẽ có điều kiện chăm sóc giáo dục con cái tốt hơn.

Phương pháp kết bạn

Thường lứa tuổi HS dễ bị ảnh hưởng những thói hư tật xấu nhưng cũng dễ tiếp thu những điều hay lẽ phải, dễ hòa mình vào những trò chơi có tính tập thể, tính giáo dục cao. Do đó GVCN nên phân công một nhóm bạn tốt, cùng hoàn cảnh, cùng sở thích, uớc mơ để sinh hoạt, học tập với đối tượng này dần dần lôi kéo các em hòa nhập vào các cuộc chơi bổ ích, từ đó xóa bỏ các mặc cảm là HS hư để rồi cùng với các thành viên trong lớp xây dựng tập thể vững mạnh.

Mặt khác, thông qua nhóm bạn tốt, GVCN giao cho HSCB thực hiện một số công việc, tạo những điều kiện để những HS này hoàn thành và động viên khích lệ các em để các em xóa những tự ti, mặc cảm là HSCB để hòa mình với bạn bè. Ngoài ra có thể vận động gia đình của nhóm bạn tốt tham gia vào việc giúp đỡ những HS này bằng cách tạo cho các em tâm lý xem gia đình của bạn như gia đình mình, tạo điều kiện cho các em cùng tham gia học tập với con em mình để tách dần ra khỏi nhóm bạn chưa ngoan. Việc làm này cả là một cố gắng trong đó vai trò của GVCN rất quan trọng và sự tham gia của Hội PHHS là rất cần thiết.

Phương pháp “lạt mềm buộc chặt”

Tuổi mới lớn thì nghịch phá là chuyện khó tránh khỏi. Những biện pháp mạnh như kỷ luật hay lớn tiếng trách mắng, la rầy HS đôi khi sẽ không có tác dụng bằng sự mềm mỏng, kiên nhẫn. Ai cũng muốn mình là học sinh ngoan, giỏi nhưng vì lý do về gia đình, về tâm sinh lý và rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đển những hành động tiêu cực của một vài bạn học sinh. Trước hết, thầy cô nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và dùng sự mềm mỏng để cảm hóa học sinh của mình.

Kết hợp kỷ luật và tình thương

Đừng vì một vài biểu hiện nhất thời của học sinh mà gán ghép cho các em cái tên “học sinh cá biệt”. Bên cạnh đó, thầy cô giáo cũng cần chú ý đến tâm lý lứa tuổi của các em bởi “giai đoạn cấp 2, cấp 3 là giai đoạn khá nhạy cảm và có những rối loạn của tuổi dậy thì. Đôi khi những phản ứng nổi loạn là do các em không kiềm chế, kiểm soát được”.

Cố PGS-TS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội đã từng nói rằng, thầy cô phải uốn nắn, định hướng ngay khi các em mắc những lỗi nhỏ để tránh dẫn đến việc xảy ra chuyện lớn rồi buộc lòng phải dùng biện pháp kỷ luật học sinh.

PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Kỷ luật là một hình thức giáo dục, không chỉ giáo dục học sinh vi phạm mà còn răn đe các em khác nữa. Tuy nhiên, kỷ luật là hình thức giáo dục cuối cùng bắt buộc phải dùng đến”.

Giáo dục là một hoạt động đặc biệt bởi sản phẩm tạo ra là con người. Vì vậy vẫn nên dùng đến kỷ luật nhưng là kỷ luật kết hợp với tình yêu thương. Có như vậy thì người thầy mới không khắc những vết thương lên tinh thần của người học trò về sau này. Đừng làm các em học sinh rơi vào trạng thái thấy mình là kẻ cá biệt và cô độc trong lớp rồi nảy sinh những phản ứng tiêu cực như sợ hãi, tự ti. Mục đích của việc làm này là“giơ cao đánh khẽ” và với mong muốn giúp học sinh có kỷ luật tốt hơn. Đây có phải là cách tốt nhất để răn đe, giáo dục học sinh khi vi phạm, nhất là học sinh đang trong độ tuổi hình thành phát triển tâm lý.

Phần lớn ngày nay, thời gian của các em học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà. Trong trường, có thầy cô giáo dạy dỗ còn về nhà thì cha mẹ lo đi làm nên sẽ không thể dành thời gian nhiều để bảo ban các em. 

Vậy liệu khi đuổi học, có phải là gián tiếp đưa học sinh ra ngoài xã hội nhiều cạm bẫy, đẩy học sinh đến gần với những tệ nạn xã hội này không? Trong khi có nhiều cách có thể xử lý được như cảnh cáo trước toàn trường, đưa học sinh đó vào một nhóm giáo dục đặc biệt tại trường.

Thực tế, đây không phải là cách xử lý mới khi học sinh vi phạm. Cách này đã được hình thành từ lâu trong hệ thống giáo dục của nước ta. Nhiều quan điểm ủng hộ cho rằng đây là cách để đe dọa các học sinh này tái phạm, nhưng liệu nó có mang phản ứng ngược. Cấp 2 và cấp 3 là độ tuổi nhạy cảm, việc đuổi học này thực tế chỉ răn đe được một ít, số còn lại mang tâm lý bất cần sau khi bị đuổi học. Và khả năng các em dễ tiếp cận với các thành phần xấu trong xã hội là rất cao.

Chắc hẳn chúng ta ai cũng nhớ hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Chính vì vậy, mỗi khi dùng biện pháp mạnh với học sinh phạm khuyết điểm, những người có trách nhiệm nên cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Quan điểm của Bộ là không đuổi học học sinh

Ứng xử trước việc học sinh đánh nhau, mỗi trường có một cách. Trường thì thẳng tay đuổi học học sinh trong khi đó có trường chỉ kỷ luật khiển trách, nhắc nhở.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói, quan điểm của Bộ là nhà trường phải giáo dục các cháu nên người. Nhà trường làm nhiệm vụ giáo dục mà lại quay lưng với học sinh thì sẽ đẩy các cháu ra ngoài xã hội. Đó là việc làm phi giáo dục. Ở một chừng mực nhất định, nhà trường nên giáo dục dạy bảo các cháu. Nhưng nếu các cháu đã có hành động đánh nhau dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đến lúc ấy không thuộc quyền quyết định của ngành giáo dục nữa.

Quan điểm của mỗi trường lại mỗi nơi một khác nên việc xử lý vấn đề này mới khác nhau. Có những trường điểm, học sinh rất ngoan thì hành động học sinh đánh nhau sẽ có thể bị đuổi học. Một số trường khác họ lại thấy chuyện học sinh đánh nhau không quá nặng nên chỉ nhắc nhở cảnh cáo. Cũng có những trường, đuổi học học sinh không phải chỉ vì học sinh đó đánh nhau mà còn bởi học sinh đó đã từng có nhiều khuyết điểm trước đó. Tuy nhiên, Bộ vẫn luôn nhắc nhở các trường không nên đẩy các cháu ra xã hội mà không được giáo dục. Hàng năm Bộ đều có văn bản chỉ đạo xuống các trường.

Hằng Thanh (T/h)

Tin nổi bật