Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm ở Tuyên Quang dưới góc nhìn pháp lý

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Dưới góc nhìn pháp lý, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định về vụ việc cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm ở Tuyên Quang.

Lỗi đến đâu chịu trách nhiệm đến đó

Liên quan đến vụ việc cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm xảy ra ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, trao đổi với Đời sống & Pháp luật, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, sự việc đã đi quá giới hạn của tình thầy trò, của văn hóa ứng xử học đường.

Ông Cường cho rằng, hành vi ứng xử của giáo viên và học sinh trong các clip được chia sẻ trên mạng xã hội là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, không phù hợp với kỷ luật trong hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như đối với hoạt động giáo dục nói chung, có thể ảnh hưởng đến tâm lý sức khỏe của giáo viên và đến vấn đề phát triển hình thành nhân cách của học sinh.

Do đó, để đánh giá tổng thể sự việc phải có thông tin đầy đủ, đa chiều, khách quan, cần làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến mối quan hệ giữa giáo viên và các học sinh trong lớp mới có thể kết luận chính xác về sự việc và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

"Hành vi ứng xử giữa giáo viên và học sinh trong các clip là rất bất thường, rất hiếm khi xảy ra trong môi trường học đường ở cấp trung học cơ sở. Để xảy ra sự việc lộn xộn như vậy có phần trách nhiệm của giáo viên, lãnh đạo nhà trường và của phụ huynh học sinh. Ngoài ra cũng cần xem xét xử lý kỷ luật đối với các học sinh đã vượt quá chuẩn mực đạo đức khi có những lời lẽ xúc phạm, hành vi vô lễ đối với giáo viên", vị luật sư nêu quan điểm.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

 

Cũng theo ông Cường, trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ giáo viên này giảng dạy từ bao giờ, quá trình giảng dạy có hoàn thành nhiệm vụ hay không, hiệu quả trong công tác giảng dạy và việc duy trì kỷ luật giảng đường được thực hiện như thế nào.

Ngoài ra, làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến hàng loạt học sinh vô lễ, thiếu tôn trọng giáo viên. Phản ứng của giáo viên khi học sinh ném giấy vào người, ném dép vào mặt như vậy đã phù hợp chưa?

"Về nguyên tắc bên nào có lỗi phải xử lý bên đó, lỗi của giáo viên đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Còn về phía học sinh vô lễ, có thái độ không đúng mực với giáo viên cũng cần xem xét xử lý kỷ luật. Việc này cơ quan chức năng sẽ có kết luận chính thức", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Về hình thức xử lý, ông Cường thông tin, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi vi phạm luật giáo dục sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 22 Luật Giáo dục, các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; Xuyên tạc nội dung giáo dục; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự...

Đối với học sinh, các hình thức kỷ luật hiện nay nhân văn hơn, hướng đến mục tiêu giáo dục cao hơn, tôn trọng học sinh hơn các hình thức xử lý kỷ luật trước đây hướng đến mục tiêu giáo dục văn minh, lành mạnh.

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hình thức xử lý kỷ luật học sinh như sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Học sinh vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo 3 hình thức nêu trên. Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên, pháp luật không cho phép giáo viên, cán bộ giáo dục hoặc cơ sở giáo dục được phép thực hiện các hình thức kỷ luật nào khác, đặc biệt là nghiêm cấm sử dụng bạo lực để thay cho các hình thức xử lý kỷ luật.

Bởi vậy, nếu trong quá trình giảng dạy mà có học sinh vi phạm kỷ luật, giáo viên có thể áp dụng từng hình thức xử lý kỷ luật theo quy định nêu trên. Quá trình áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật này thì gia đình và ban giám hiệu nhà trường cũng sẽ đều biết, có tham gia vào quá trình xem xét xử lý kỷ luật học sinh.

Bộ GD&ĐT vào cuộc

Ngày 5/12, Bộ GD&ĐT có văn bản số 6803/BGDĐT-GDCTHSSV về việc xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm Nhà giáo trong cơ sở giáo dục.

Theo đó, ngày 5/12, Bộ GD&ĐT nhận được Công văn số 1956/SGDĐT-VP của Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang báo cáo về vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, một số học sinh có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận.

Hình ảnh cô giáo bị nhóm học sinh dồn vào góc tường, buông lời xúc phạm. Ảnh cắt từ clip

 

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ vụ việc. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan: giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cá nhân, đơn vị liên quan khác.

Đồng thời, chỉ đạo Sở GD&ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung tăng cường công tác: quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở các cơ sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Bộ GD&ĐT yêu cầu UBND tỉnh Tuyên Quang thông báo kết quả về Bộ GD&ĐT trước ngày 29/12.

Như đã đưa tin trước đó, mạng xã hội xuất hiện 2 đoạn video ghi lại hình ảnh nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc lớp, đe doạ kèm theo lời chửi bới. Thậm chí cô giáo này còn bị học sinh ném dép vào mặt nhưng vẫn không dám chống cự mà chỉ dùng điện thoại để ghi lại.

Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Dương, nguyên nhân xuất phát từ khúc mắc giữa cô và trò trong giờ học. Cụ thể, sự việc xảy ra vào 10h30 ngày 29/11 tại Trường THCS Văn Phú, vào giờ học tiết 3 môn Âm nhạc ở lớp 7C do giáo viên P.T.H. (SN 1985) giảng dạy.

Thời điểm trên, thấy một số học sinh vẫn ở ngoài chưa vào lớp học, cô H. nhắc nhở thì một vài học sinh phản ứng. Trong giờ học, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Sau đó giữa giáo viên và học sinh có khúc mắc trong giờ học.

Tuy nhiên, sau tiết học, một số học sinh lớp 7C có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H. như nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng tải lên mạng xã hội Facebook.

Ngay sau đó, nhà trường đã tổ chức họp toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh lớp 7C và 6A, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường giáo dục đạo đức học sinh không để xảy ra sự việc như trên.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo nhà trường xem xét giải quyết sự việc, đồng thời phối hợp các đơn vị liên tiếp tục xác minh, giải quyết, xem xét xử lý đối với cá nhân, tập thể liên quan tới vụ việc. Sau khi có kết quả giải quyết, UBND huyện sẽ có báo cáo gửi lên UBND tỉnh và các cơ quan theo quy định.

Thủy Tiên

Tin nổi bật