Tiền Phong đưa tin, chiều 6/12, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, phóng viên đặt câu hỏi với đại diện Bộ GD&ĐT về vụ việc nhóm học sinh nam ép cô giáo vào tường để văng tục chửi bậy. Bộ nhìn nhận và xử lý vấn đề này như thế nào để những vụ việc tương tự sẽ không xảy ra?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hôm 5/12, Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tuyên Quang, đề nghị tiếp tục chỉ đạo xác minh làm rõ, bởi theo ông, “sự việc xảy ra, tất cả chúng ta đều thấy mức độ nghiêm trọng và không thể chấp nhận được”.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trước tiên, tỉnh cần chỉ đạo sở, nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan trên cơ sở tìm hiểu vấn đề một cách khách quan, thấu đáo, từ đó có biện pháp để xử lý nghiêm.
“Những gì liên quan đến giáo viên, đến lãnh đạo nhà trường, những gì liên quan đến học sinh, rồi trách nhiệm của phụ huynh… phải xem xét tổng thể để có biện pháp xử lý trước mắt, để chấn chỉnh, xử lý nghiêm và rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Tiền Phong.
Về biện pháp xử lý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục để làm tốt công tác giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt về tư tưởng đạo đức và công tác quản lý để phối hợp với phụ huynh.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề đưa dạy thêm - học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo đó, ông cho biết đây không phải ý tưởng mới.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, năm 2012, căn cứ Luật đầu tư, Bộ GD&ĐT từng có thông tư về việc này nhưng sau đó Luật Đầu tư bỏ ra khỏi danh mục vì vậy Bộ buộc phải bỏ một số điều trong thông tư này. Đến nay, Bộ tiếp tục đề xuất và thực hiện lại.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, giáo viên tham gia dạy thêm theo ba hình thức: dạy nhỏ lẻ như gia sư; tham gia dạy thêm ở trung tâm; tự thầy cô tổ chức trung tâm; dạy trực tuyến. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: "Không thể cấm việc dạy thêm học thêm và hiện cũng chưa có văn bản nào cấm. Trong khi, thực tế việc dạy thêm học thêm cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Do đó, đưa hoạt động này vào ngành nghề có điều kiện là cần thiết để cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương giám sát, đảm bảo quyền lợi cho người học cũng như quyền lợi, trách nhiệm của thầy, cô".
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi thông tư, quy định về chất lượng, thời gian học, trách nhiệm của thầy cô; làm rõ trong trường hợp nào được dạy thêm, trường hợp nào không, với đối tượng nào, theo VOV.
Phương Linh (T/h)