Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, rạng sáng 3/1, lực lượng cứu hộ của Đồng Tháp vẫn miệt mài làm việc nhằm giải cứu cháu bé rơi xuống cọc bê tông rỗng sâu 35 m.
Ống vách thép có đường kín 1,5m dùng làm lồng trùm lại trụ bê-tông. Ảnh: PLO
Đến gần 3h cùng ngày, một ống thép lớn đã được cẩu lên để lồng vào bao bọc, ôm lấy cọc bê tông, đồng thời làm sạch đất để kéo cọc bê tông lên.
Tính từ khi bắt đầu xảy ra sự việc bé trai rơi xuống cọc bên tông rỗng đến thời điểm này đã trải qua hơn 60 tiếng, việc cứu hộ vẫn chưa thành công.
"Khi đưa được cột bê tông lên mắt đất, lực lượng của Quân khu 9 sẽ sử dụng phương tiện chuyê dụng để soi thăm dò xác định chính xác vị trí cháu bé đang ở đâu trong thân cọc. Sau đó lực lượng mới khoan cắt, phá dỡ cọc bê tông để đưa cháu bé ra, đồng thời có các bước xử lý tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, cho biết.
“Chúng tôi đã làm rất cật lực, tuy nhiên, do nhiều ảnh hưởng từ địa chất, địa tầng cũng như trang thiết bị phải điều động từ xa nên công tác cứu hộ, cứu nạn gặp khó khăn”, báo Nhân Dân dẫn lời ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp.
Ông Bảo cũng cho biết, đến thời điểm này, công tác cứu hộ đã bước tới giai đoạn cuối; đồng thời gửi lời cám ơn tới các đơn vị trong cả nước đã, đang có ý định hỗ trợ.
Theo VTV News, trước đó, khoảng 11h30, ngày 31/12, bé Thái Lý Hào Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Tại thời điểm xảy ra sự cố công trường ngừng làm việc và nhân công đang nghỉ trưa.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, Sở GTVT, Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công; chính quyền địa phương, lực lượng y tế và các lực lượng cứu hộ khác đến hiện trường.
Mộc Miên (T/h)