Ngày 21/9, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) vừa tiếp nhận nam bệnh nhân D.N.T.D (12 tuổi) trong tình trạng đa thương tích. Theo đó, bệnh nhân có vết thương vùng vai phải, vết thương đùi phải và nặng nhất là vết thương đứt rời hoàn toàn bàn tay phải.
Bàn tay phải bị lìa được bỏ vào trong túi nilon, bảo quản trong thùng đá được đưa đi cùng bệnh nhân cấp cứu.
Theo Thanh niên, ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành vi phẫu thuật cấp cứu trong thời gian vàng cho bệnh nhân, xử lý các xương tổn thương, khâu nối vi phẫu bàn tay bị đứt lìa, kết hợp xương cổ tay, khâu các gân gấp và gân duỗi ở các ngón tay, nối các mạch máu và dây thần kinh.
Bàn tay phải của bệnh nhân bị đứt lìa đã được bác sĩ nối lại thành công. (Ảnh: BV)
Sau 8 ngày phẫu thuật, bàn tay của bệnh nhân đã sống hoàn toàn, các ngón tay có thể cử động tốt. Quá trình phẫu thuật rất thành công nên bệnh nhân phục hồi nhanh, không cần can thiệp và phẫu thuật nhiều lần. Tuy bệnh nhân được xuất viện nhưng vẫn phải tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động cho bàn tay.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Chân thương Chỉnh hình TP.HCM thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, nạn nhân được cấp cứu trong đêm, rất may phần chi đứt lìa được bảo quản đúng cách nên quá trình nối bàn tay thuận lợi hơn, khả năng thành công cao hơn.
Theo bác sĩ CK.2 Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thì bạo lực ở trẻ em có xu hướng gia tăng và thể hiện tính hung hãn, các em dùng hung khí chém nhau. Do đó phụ huynh cần nhắc nhở con em mình tránh các xung đột, kiềm chế bản thân.
Để tránh dẫn tới các sự việc đáng tiếc như bệnh nhân bị chém lìa bàn tay phải như trên. Lần này, ê kíp phẫu thuật xử lý triệt tất cả tổn thương trong 1 lần mổ, kỹ thuật này vừa giúp cứu sống bàn tay đứt lìa, vừa cho phép bệnh nhân có thể tập luyện ngay được, sớm quay lại cuộc sống thường ngày.
Việt Hương (T/h)