Ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết trên Tuổi trẻ, sau khi công bố thông tin bé Thái Lý Hạo Nam tử vong, lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn làm việc xuyên đêm 4/1 để cứu nạn.
Suốt đêm 4/1 đến rạng sáng 5/1, các đội thi công tại hiện trường vẫn phối hợp lực lượng công binh, phòng cháy chữa cháy… đưa thiết bị xuống lòng ống cọc để tiếp cận khối nghi ngờ có cháu bé, nhưng khi thiết bị xuống đến độ sâu 30m thì phát hiện khối đất lẫn lộn trong đó.
Khối đất đá này có độ nén chắc, thiết bị đưa xuống có phần hạn chế, mọi nỗ lực vẫn chưa đưa lại kết quả mong muốn nên vẫn chưa thể đưa cháu bé lên mặt đất được.
Sáng nay, các chuyên gia đã hội ý để có phương pháp đưa đoạn ống cọc đầu tiên lên khỏi mặt đất, sau đó sẽ tiếp cận đoạn ống cọc thứ 2 để kéo lên mặt đất để đưa cháu bé lên.
Toàn cảnh giải cứu bé Hạo Nam. (Ảnh: Nhân dân)
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, khi xuyên thấu đến độ sâu 35m, lực lượng cứu hộ gặp tầng đất sét ở cuối với độ nén rất lớn và phức tạp. Trong điều kiện lòng ống chật hẹp, việc thao tác rất khó khăn. Lực lượng cứu hộ đã tham khảo ý kiến các chuyên gia liên tục nhưng vẫn phải chấp nhận, bảo đảm làm tới đâu an toàn tới đó nên chưa thể xác định chắc chắn thời gian hoàn thành.
Sau khi kéo được trụ bê-tông lên, lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng trực sẽ cưa, cắt để đưa nạn nhân ra ngoài nhanh nhất.
Thông tin trên báo Nhân dân, hiện công tác cứu hộ vẫn đang được Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đồng Tháp thực hiện khẩn trương nhằm cứu nạn em bé lọt trong lòng ống bê tông.
Do điều kiện địa chất phức tạp nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên tất cả phương tiện, thiết bị, nhân lực đã được huy động tối đa cho công tác cứu nạn em bé.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng các chuyên gia, công an, quân đội đã đến để hỗ trợ thêm cho công tác cứu nạn bé trai bị kẹt trong ống cọc bê-tông.
Việt Hương (T/h)