Liên quan vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép do Phó Đức Nam - TikToker Mr Pips cầm đầu, cơ quan chức năng cho biết tài liệu điều tra xác định các đối tượng đã quản lý, điều hành 21 trang web, sử dụng 7 tài khoản ngân hàng của 7 doanh nghiệp vào mục đích phạm tội, báo Dân Trí thông tin.
Theo đó, tài khoản 317228 mang tên Công ty TNHH Rowna và tài khoản 231366 mang tên Công ty TNHH Audrey mở tại Ngân hàng ACB. Ngoài ra, còn có tài khoản 1029417421 mang tên Công ty TNHH Ambrose, tài khoản 1031327764 mang tên Công ty TNHH Tư vấn DVA, tài khoản 1030943887 mang tên Công ty TNHH UNI VN, tài khoản 1031477119 mang tên Công ty TNHH Sysnet VN và tài khoản 1031476369 mang tên Công ty TNHH Sodial VN đều mở tại Ngân hàng Vietcombank.
Theo Cổng thông tin quốc gia đăng ký doanh nghiệp, 7 doanh nghiệp trên được thành lập vào năm 2021 và 2022, có trụ sở tại TPHCM. Vốn điều lệ các doanh nghiệp này chỉ khoảng 50-60 triệu đồng.
Chủ sở hữu kiêm người đại diện pháp luật ban đầu của 7 công ty là các cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tuy nhiên ngay sau đó vài tháng đều được chuyển sang cho các cá nhân quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Philippines.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đề nghị ai bị dụ dỗ đầu tư vào các trang web và bị chiếm đoạt tài sản qua các tài khoản ngân hàng trên thì liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội để phối hợp giải quyết.
Phó Đức Nam khi vừa bị bắt. Ảnh: VnExpress
Liên quan đến vụ án này, Công an TP Hà Nội cũng đã phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) ra quyết định truy nã quốc tế đối với bị can Lê Khắc Ngọ - TikToker Mr Hunter.
Đường dây phạm tội tại Việt Nam của Nam và Ngọ bắt đầu hoạt động từ năm 2021 khi mở nhiều trang web có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm đây là sàn giao dịch ngoại hối quốc tế, có uy tín. Về bản chất, các trang mạng này đều được lập trình, liên kết với tài khoản ngân hàng do nhóm Nam quản lý.
Theo nhà chức trách, dù không có kiến thức về đầu tư ngoại hối, chứng khoán nhưng nhân viên của Nam vẫn tư vấn rất nhiệt tình cho khách hàng về thị trường tài chính vĩ mô và các cơ hội đầu tư ngoại hối, chứng khoán.
Ban đầu, các nghi can dụ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp và để "có lãi". Sau đó, nhóm dùng nhiều thủ đoạn để hướng dẫn, thúc đẩy khách nâng vốn giao dịch rồi chiếm đoạt hết, theo VnExpress.
Theo Công an Hà Nội, đây là đường dây lừa đảo lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán. Đa số nạn nhân sập bẫy vì tin vào sự hào nhoáng, giàu có của Nam và Ngọ. Cùng với việc ham làm giàu, mong sớm thành đại gia, các nhà đầu tư càng dễ bị dẫn dụ.
Thủ đoạn của đường dây này không mới song do quảng cáo tốt hơn các băng nhóm tội phạm khác nên số lượng nạn nhân và tiền bị chiếm đoạt rất lớn.
Theo Người Lao Động, trong vụ án này, Công an TP Hà Nội hiện xác định có 2.661 bị hại trên toàn quốc, thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỉ đồng. Trong đó, 316 tỉ đồng trong tài khoản; 9 tỉ đồng trái phiếu; 200 tỉ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỉ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 7 môtô hạng sang; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong tỏa 125 bất động sản.