(ĐSPL) – Sau loạt bài được đăng tải trên báo Đời sống và Pháp luật liên quan đến vụ án "cướp gỗ huê" gây chấn động Quảng Bình, VKSND tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình trả hồ sơ, làm rõ những nội dung báo đã nêu.
Như chúng tôi đã đưa tin trước đó về vụ việc liên quan đến vụ án “cướp gỗ huê” gây chấn động Quảng Bình. Theo đó, CQĐT đã khởi tố và bắt tạm giam 15 bị cáo về tội Cướp tài sản là gỗ huê do Nguyễn Văn Hiệu cầm đầu. Từ thời điểm bị bắt cho đến nay, cả 15 bị can đều nhất quyết khẳng định, họ không hề có hành vi cướp số gỗ trên. Cho rằng mình bị khởi tố oan, các bị can liên tục viết đơn kêu cứu, khiếu nại… gửi đến tất cả các cấp ngành. Sau khi báo Đời sống và Pháp luật đăng loạt bài viết về vụ án này, VKSND tối cao ra thông báo “Yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi”.
Tại bản kết luận điều tra số 03/KLĐTBS - PC45 ngày 30/7/2014 về vụ án Nguyễn Văn Hiệu cùng đồng phạm can tội Cướp tài sản xảy ra tại Hung Roi xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch ngày 02/05/2012 có khác hơn so với bản kết luận điều tra bổ sung trước đó là tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng đã được CQĐT loại bỏ.
Nội dung điều tra bổ sung là 2 vấn đề: “Thứ nhất, CQĐT đã tiến hành lấy lời khai bị hại Phạm Văn Toàn (SN 1980), Lưu Quang Thống (SN1993), Nguyễn Văn Tùng (SN 1988) đều trú tại thôn 1, Thanh Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Các bị hại khai: Phạm Văn Toàn bị một đối tượng cướp dùng dây dù màu xanh trói hai tay về phía trước, anh Toàn không bị trói vào gốc cây. Quá trình điều tra xác định: Hồ Văn Phương là người trói Phạm Văn Toàn và Nguyễn Văn Quân là người mở trói cho anh Toàn còn Lưu Quang Thống, Nguyễn Văn Tùng không bị trói. Thứ 2, xác minh số điện thoại của Phạm Văn Toàn và Phạm Văn Trọng đã sử dụng vào chiều ngày 02/05/2012 để thu thập nội dung của cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, điều này không thực hiện được do dữ liệu đã bị xóa không còn lưu lại ở Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
Quan điểm của luật sư Ngô Đức Thịnh, Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) thì bản kết luật không có gì mới so với các bản kết luận trước đó. Trong khi có nhiều điều mà Tòa án và Viện kiểm sát yêu cầu làm rõ thì không được cơ quan điều tra làm rõ. Luật sư Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Nếu vẫn khẳng định là các bị can phạm tội Cướp tài sản, vậy tại sao không làm rõ số tiền 390 triệu mà Phạm Văn Toàn nhận được từ nhóm của Nguyễn Văn Hiệu, trong khi chính Toàn cũng công nhận là đã nhận được số tiền ấy. Mấu chốt nằm ở số tiền này, nếu Toàn có nhận tiền thì rõ ràng có mua bán, có thỏa thuận. Nếu Toàn nhận tiền mà vẫn nói là bị cướp thì chứng tỏ là Toàn đi cướp lại số tiền này của nhóm Nguyễn Văn Hiệu. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì vụ án vẫn đi vào bế tắc. Bên bị hại thì nói là có bị trói nhưng bên bị cáo khẳng định là không, trong khi cơ quan điều tra không đưa ra được bằng chứng cụ thể để kết tội mà chỉ dựa vào lời khai của bị hại thôi là thiếu cơ sở”.
Những thông tin chi tiết liên quan đến vụ án cướp gỗ huê sẽ được đăng tải trên báo giấy Đời sống và Pháp luật, mời quý độc giả đón đọc!