(ĐSPL) - Chuyện khởi tố, bắt, giam giữ 15 người trong vụ “cướp gỗ huê” ở Quảng Bình được nhiều chuyên gia luật cho rằng, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, gây oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Vụ án “cướp gỗ huê” gây chấn động tỉnh Quảng Bình đã kéo dài suốt 2 năm nay, viện kiểm sát (VKS) và tòa án (TAND) nhiều lần trả lại hồ sơ đã khiến có nhiều hoài nghi trong dư luận về sự bất thường của vụ án.
Năm 2012, cả tỉnh Quảng Bình đã nóng lên về câu chuyện 3 cây gỗ sưa đỏ (hay gọi là huê) có giá hàng trăm tỷ đồng được phát hiện tại khu vực Hung Trí thuộc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Sự việc càng nóng hơn khi CQĐT Công an huyện Bố Trạch và Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh này bắt giữ, khởi tố 15 đối tượng. Nhiều ý kiến cho rằng, CQĐT đã vội vàng nhận định và buộc tội 15 người trên có hành vi Cướp tài sản (gỗ huê).
Cuối tháng 4/2012, Quảng Bình rộ thông tin, nhóm của Phạm Văn Thắng trú tại xóm Thanh Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã phát hiện 3 cây huê tại Hung Trí thuộc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Nguyễn Văn Hiệu đã rủ một số lái buôn lên xã Xuân Trạch (Bố Trạch) tìm gom huê về xuôi tiêu thụ. Tại đây, nhóm của Hiệu gặp nhóm của Phạm Văn Toàn và được biết, nhóm này vừa gom được 7 gùi gỗ huê (khoảng 400kg) từ 3 cây gỗ trên.
CQĐT phớt lời việc trả hồ sơ và đơn kêu oan của bị cáo. Ảnh: Xuân Hương |
Nhóm của Hiệu đặt vấn đề mua lại số gỗ huê trên của Toàn. Lúc đầu, Toàn ra giá 1,2 tỷ đồng. Trong quá trình thương thảo, Hiệu có nói, nếu không bán sẽ báo kiểm lâm và công an lên thu giữ, nên nhóm của Toàn đồng ý bán lại số gỗ trên với giá 750 triệu; trong đó, 150 triểu trả tiền công gùi. Tổng số tiền 600 triệu, nhóm của Hiệu mới có và đưa trước cho Toàn 390 triệu, còn nợ 210 triệu đồng.
Sau đó, nhóm của Hiệu giao cho Ngô Xuân Thiện (thường gọi là Bốn) mang trả số tiền trả nợ cho Toàn. Tuy nhiên, do cá độ bóng đá, cờ bạc nên Thiện mất hiết tiền, chưa có trả đành dây dưa. Khoảng thời gian này, Toàn đã nhiều lần tìm đến Hiệu để đòi tiền nhưng Hiệu nói đã đưa cho Thiện rồi.
Biết sự việc, một điều tra viên (xin giấu tên) đã tìm gặp Toàn, thuyết phục làm đơn tố cáo nhóm của Hiệu cướp gỗ sưa. Khoảng 20 ngày sau, CQĐT Công an huyện Bố Trạch đã triệu tập cả nhóm của Hiệu đến làm việc. Sau khi hết thời hiệu tạm giữ hình sự, công an huyện này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng về tội Cướp tài sản và giao cho Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Bình thụ lý.
Trong thời gian điều tra, các bị can nhất quyết khẳng định, họ không hề có hành vi cướp số gỗ trên. Các bị can liên tục viết đơn kêu cứu, khiếu nại… gửi đến tất cả các cấp ngành. Hầu hết, đơn đều được chuyển về Cơ quan CSĐT, Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Bình. Tiếc thay, cơ quan này không hề có một phản hồi nào cho các bị can cũng như gia đình họ. Không những thế, CQĐT vẫn nhất quyết đề nghị truy tố các “bị can” trên về tội Cướp tài sản theo Khoản 4, Điều 133 của BLHS (mức án từ 18 năm tù đến tử hình).
Thời gian điều tra của vụ án cứ nhùng nhằng, kéo dài suốt 2 năm nhưng không có kết quả. Nhiều lần, VKSND và TAND tỉnh Quảng Bình đã trả lại hồ sơ, đề nghị CQĐT xem xét, bổ sung chứng cứ.
Ngày 22/4/2014, nhóm PV báo ĐS&PL đã trở lại Quảng Bình, gặp các cơ quan tiến hành tố tụng của vụ án trên để làm rõ. Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đang bận đi công tác tại Hà Nội.
Ông Sơn đề nghị, chúng tôi liên hệ với Phòng PC45 để được cung cấp thông tin. Chiều cùng ngày, nhóm phóng viên đến Phòng PC45 thì nhận ngay sự từ chối: “Muốn làm việc với chúng tôi phải có bút tích của lãnh đạo, ban giám đốc phê vào”(!?).
Nguyễn Văn Hiệu (bên phải) và các "bị can" trình bày với phóng viên. Ảnh Bích Ngọc |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trường Phi, Phó Viện trưởng (phụ trách kiểm sát án hình sự) đã thẳng thắn, thừa nhận những sai sót trong quá trình điều tra cũng như kết luận vụ án. Ông Phi cho biết, VKSND tỉnh đã 2 lần trả lại hồ sơ cho CQĐT vì không đủ chứng lý để buộc tội các bị can.
Mới đây, TAND tỉnh cũng đã tiếp tục trả lại hồ sơ khi cho rằng: Không có nạn nhân nào bị đe dọa, đánh đập để cướp gỗ huê. Thông qua việc chia chác tiền cho thấy, có việc mua bán trao đổi chứ không phải là cướp. Về giá trị tài sản 400kg gỗ sưa đỏ bị chiếm đoạt là không chính xác. Việc không tiến hành định giá tài sản trong tố tụng hình sự là thiếu sót. Có nhiều mâu thuẫn trong lời khai giữa bị can và bị hại; không có đối chất…
Ông Trần Trường Phi cho biết thêm: “Nhóm đối tượng bị khởi tố học ít, có một số không biết chữ, thật thà. Chúng tôi được biết, có nhiều bản khai, họ chỉ ký khống (ký lên giấy trắng) rồi để điều tra viên viết vào. Các anh chị cứ tìm hiểu đi, việc này là có thật đấy”. Ông viện phó còn đặt ra nghi ngờ tính trung thực của bản kết luận khi cho rằng: Vô lý đến mức, sau 20 ngày bị hại mới tố cáo vì điều tra viên đến nhà thuyết phục. Thâm chí họ đang quay lại tìm nhau để đòi số tiền nợ chưa trả hết. Còn tang vật liên quan của vụ án thì chẳng thu được gì.
Ông Ngô Văn Xảo, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình hết sức bất bình về nội dung kết luận của CQĐT trong vụ án này. “Tôi có hàng chục năm làm thẩm phán và lãnh đạo tòa, nhưng chưa bao giờ gặp một vụ án mà CQĐT làm ẩu và liều lĩnh đến như vậy. Sao có vụ cướp gì mà lạ lùng thế, bằng chứng, tang vật thì chẳng có gì. Kết luận chỉ dựa vào lời khai của mỗi bị hại nhưng khước từ hoàn toàn 15 lời kêu oan của các bị can. Tôi nói, vụ này chiếu theo Nghị định 157 để khởi tố tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng vốn đã không được (phải buôn bán trên 1,5m3). Đằng này, lại quy cho người ta tội cướp, tôi thấy quá coi thường pháp luật”.
Có hay không một cuộc “thí tốt” để bảo vệ một nhóm lợi ích trong vụ đốn hạ, chặt phá và tiêu thụ 3 cây gỗ sưa trăm tỷ? Để làm rõ những nghi vấn của dư luận, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ trong các bài viết tới.
(Còn nữa)