Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ 5 công an dùng nhục hình: Nghi vấn lớn sau bản án sơ thẩm

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Vụ án 5 cựu công an dùng nhục hình làm chết một nghi can xảy ra tại Công an TP. Quy Hòa, tỉnh Phú Yên gây xôn xao dư luận trong vòng hai năm qua.

(ĐSPL) - Vụ án 5 cựu công an dùng nhục hình làm chết một nghi can xảy ra tại Công an TP. Quy Hòa, tỉnh Phú Yên gây xôn xao dư luận trong vòng hai năm qua.
Mặc dù, hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Yên quyết định đưa vụ án trở về vạch xuất phát ban đầu, song phần nào cũng giải tỏa được những uất ức, bất bình của gia đình nạn nhân và những người dự khán.
Ra trước công đường lính - sếp "tố" nhau
Ở phiên tòa phúc thẩm này, ngoài 5 nguyên cán bộ điều tra, trinh sát Công an TP. Tuy Hòa bị truy tố về tội dùng nhục hình gồm: Nguyễn Minh Quyền (nguyên Thiếu tá), Nguyễn Tấn Quang (nguyên Thiếu tá), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên Thượng úy), Đỗ Như Huy (nguyên Trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên Thiếu úy) còn có 15/23 nhân chứng và những người liên quan được tòa triệu tập có mặt. Đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu tiên của nhân chứng quan trọng, Phó trưởng Công an TP. Tuy Hòa Lê Đức Hoàn, người chỉ đạo trực tiếp việc bắt nghi can Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ thôn Mỹ Thuận Ngoài, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) trong chuyên án 312T do PC45 Công an Phú Yên và Công an TP. Tuy Hòa phối hợp thực hiện từ tháng 3/2012 đến tháng 5/2012. Mặc dù trước đó bị tòa triệu tập nhiều lần nhưng ông Hoàn luôn vắng mặt. Ngoài ra, tòa cũng dẫn giải hai nhân chứng khác là Ngô Thanh Sơn, Trần Minh Cường - hai bị án trong vụ trộm cắp mà Kiều là nghi can đến tham dự phiên tòa. 
 Năm cựu sỹ quan tại phiên tòa phúc thẩm.
Tại phiên tòa, bị cáo Thành tiếp tục kêu oan và cho rằng mình không dùng dùi cui đánh vào đầu anh Kiều. Bị cáo Thành đề nghị tòa làm rõ những người đã đánh chết anh Kiều nhưng không khai nhận. Đồng thời, Thành khẳng định đã ba lần tận mắt nhìn thấy Quyền, Mẫn, Quang lần lượt đánh anh Kiều, trong đó một lần có mặt ông Lê Đức Hoàn.
Với tư cách là một nhân chứng, ông Hoàn phủ nhận việc chỉ đạo bắt anh Kiều, ông cho rằng mình chỉ phân công một số công an đến xã Hòa Đồng đưa anh Kiều về trụ sở làm việc, sau đó phân công Quyền, Mẫn cùng một số công an khác xét hỏi Kiều, chứ không hề biết việc cấp dưới dùng nhục hình đối với Kiều. Trong khi đó, các bị cáo và một số nhân chứng khác là cán bộ Công an TP. Tuy Hòa đều khai nhận họ đến nhà bắt, dẫn giải anh Kiều về trụ sở là theo chỉ đạo của ông Lê Đức Hoàn. "Tôi có kiểm tra, đôn đốc nhưng không phát hiện anh em dùng dùi cui đánh Kiều. Tôi không biết có hành vi đánh đập Kiều", ông Hoàn khẳng định trước tòa.
Lời khai của ông Hoàn khiến bị cáo Thành vô cùng bức xúc, nên đã phản bác ngay: "Lời khai của ông Hoàn tại phiên tòa là gian dối, không đúng sự thật". Theo bị cáo này, đã có sự thông cung giữa các bị cáo còn lại nhằm đổ tội cho mình. "Trước đây, Quang có dùng điện thoại của công an tỉnh gọi cho tôi nói Quang, Quyền, Mẫn đã thống nhất lời khai với nhau rồi", bị cáo Thành cho biết thêm.
Luật sư đề nghị khởi tố Phó trưởng Công an TP. Tuy Hoà 3 tội danh
Tại phiên tòa, các bị cáo Quyền, Mẫn, Quang và Huy đều thừa nhận là do bực tức, nôn nóng muốn phá nhanh vụ án nên đã dùng dùi cui đánh Ngô Thanh Kiều. Tuy nhiên, các bị cáo hoàn toàn phủ nhận lời khai của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành liên quan đến mình. Trong đó, bị cáo Quang cho rằng, mình không điện thoại cho Thành báo việc thống nhất lời khai. Quay về phía những người thân của anh Kiều, bốn bị cáo lần lượt nói lời xin lỗi gia đình nạn nhân, bày tỏ sự ăn năn, hối cải về hành vi sai trái, vi phạm pháp luật mà mình đã gây ra, đồng thời xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt để có điều kiện khắc phục hậu quả, chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân.
Có mặt tại phiên tòa hôm ấy, đại diện gia đình người bị hại, chị Trần Thị Tâm (vợ của Kiều) và Ngô Thị Tuyết (chị của Kiều) nghi ngờ có sự bao che trong việc giám định khi làm hư, hoại tử các mẫu nội tạng lấy từ thi thể anh Kiều để xét nghiệm.
Các cơ quan nội tạng của anh Kiều đều bị tổn thương nặng (ảnh: NLĐ)
Qua đó, họ yêu cầu làm rõ ai đã đánh vào vùng đầu, bụng, ngực Kiều. "Cáo trạng cho rằng Thành chỉ đánh 2-3 cái vào đầu em tôi, trong khi vùng đầu em tôi có rất nhiều vết tụ máu. Ngoài Thành ra, còn ai khác đánh vào đầu em tôi. Hơn nữa, ở vùng bụng, ngực em tôi cũng có rất nhiều nơi xung huyết, trong khi các bị cáo khác chỉ khai đánh vào chân em tôi. Vậy thì ai đánh vào vùng bụng ngực em tôi?", chị Tuyết gào khóc. Chị Tuyết đề nghị đổi tội danh dùng nhục hình sang tội giết người.
Luật sư Võ An Đôn (thuộc Đoàn Luật sư Phú Yên, bào chữa cho gia đình bị hại) đề nghị tòa làm rõ, có hay không "âm mưu thí tốt" trong vụ án này? "Vì sao bị cáo Thành có cấp bậc thấp nhất lại bị truy tố mức án cao nhất trong khi những người có cấp bậc cao hơn lại có mức án thấp hơn, thậm chí người có cấp bậc cao nhất, chức vụ lớn nhất, có trách nhiệm cao nhất lại không bị xử lý?",  luật sư Đôn lập luận.
Một lần nữa, luật sư Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn ba tội Bắt giữ người trái pháp luật, đồng phạm tội Giết người và tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, luật sư Nguyễn Văn Thắng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự trong vụ án này. Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên không có các biên bản giám định, biên bản bàn giao mẫu giám định trong hồ sơ vụ án. Một số mẫu đưa đi giám định đã bị hư, hoại tử, nhưng vẫn cho ra kết quả giám định. Hơn nữa, việc cơ quan điều tra chỉ dựa vào lời khai của nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Công an Tp Tuy Hòa) để kết tội Thành trong khi lời khai này mâu thuẫn nhau. Khi thì Đại bảo thấy Thành cầm dùi cui tay trái, lúc lại nói Thành cầm dùi cui tay phải đánh Kiều và không thấy đánh trúng vào đâu là rất mơ hồ.
Phán quyết hợp lòng dân
Phiên xét xử kéo dài trong hai ngày đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên khắp cả nước. Đến chiều ngày 9/7, sau khi xem xét toàn bộ tình tiết, tính chất của vụ án, HĐXX tuyên trả hồ sơ, điều tra lại theo quy định của pháp luật. Mặc dù kết quả này đã được những người quan tâm đến vụ án dự đoán trước, song phần nào giải tỏa được nỗi uất ức bất bình bấy lâu của dư luận cũng như người nhà nạn nhân.
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, chị Ngô Thị Tuyết bộc bạch: "Hủy án sơ thẩm là điều mà gia đình tôi mong muốn, vì bản án sơ thẩm tuyên không đúng tội danh và còn bỏ lọt tội phạm. Thay mặt gia đình, tôi cảm ơn Chủ tịch nước và báo chí đã lên tiếng, nếu không thì gia đình tôi không thể nào chấp nhận được bản án sơ thẩm và người dân cũng khó mà tin tưởng vào pháp luật".
"Trong vụ án này, giai đoạn điều tra, xét xử sơ thẩm không khách quan, sai quy định của pháp luật nên tòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại là đúng theo quy định của pháp luật và nguyện vọng của gia đình người bị hại cũng như đông đảo người dân quan tâm đến vụ án", luật sư Đôn phân tích.
Ông Nguyễn Văn Thân (cha của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành) cũng vui mừng với phán quyết của tòa phúc thẩm. "Gia đình tôi mong vụ án được điều tra lại từ đầu, không để sót một tội phạm nào. Người có tội nặng thì xử nặng, người phạm tội nhẹ thì xử nhẹ. Nếu con tôi phạm tội thì cũng phải bị xử lý nghiêm và nếu oan sai thì phải trả lại sự công bằng cho con tôi", ông Thân chia sẻ.   
Nhìn lại bản án sơ thẩm
Án sơ thẩm của TAND TP. Tuy Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên Thiếu úy, Công an TP. Tuy Hòa) 5 năm tù về tội dùng nhục hình. Cùng tội này, Nguyễn Minh Quyền (nguyên Thiếu tá, Đội phó đội Trinh sát phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Phú Yên) bị 2 năm tù, Phạm Ngọc Mẫn (nguyên Thượng úy) 18 tháng tù, Nguyễn Tấn Quang (nguyên Thiếu tá) 15 tháng tù treo, Đỗ Như Huy (nguyên Trung úy) 12 tháng tù treo.

Tin nổi bật