Bán 15% cổ phần
Theo Tri thức trực tuyến, sáng 27/3, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã chính thức ký kết thỏa thuận phát hành 15% vốn cổ phần cho đối tác Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Với giá trị thương vụ lên tới gần 36.000 tỷ đồng, đây là một trong những thương vụ bán vốn cho đối tác ngoại lớn nhất ngành ngân hàng từ trước đến nay.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank và ông Masahiro Yoshimura, Giám đốc điều hành, Tổng trưởng Quản lý Đầu tư, Ngân hàng SMBC ký kết thỏa thuận. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Chia sẻ tại buổi ký kết, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngân hàng và SMBC đã mất tới 2 năm để đi đến thỏa thuận cuối cùng này. Trong năm vừa qua, đối tác Nhật Bản cũng đóng vai trò là bên thu xếp nhiều khoản huy động vốn từ thị trường quốc tế cho VPBank.
Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.
Thực tế, thông tin thương vụ hợp tác giữa VPBank và SMBC đã xuất hiện từ lâu trên thị trường. SMBC ban đầu là cổ đông lớn tại Eximbank, nhưng đến tháng 4/2021, tập đoàn tài chính Nhật Bản này đã ký kết thỏa thuận mua lại 49% vốn điều lệ tại FE Credit - công ty con của VPBank - với giá trị gần 1,4 tỷ USD.
Để có thể chính thức đầu tư vào VPBank, SMBC đã phải thoái vốn khỏi Eximbank sau hơn 15 năm đầu tư (theo quy định, một nhà đầu tư tổ chức chỉ được là cổ đông lớn - nắm trên 5% vốn - tại một ngân hàng Việt Nam).
Theo Báo Lao động, trước mắt với khoản đầu tư chiến lược từ SMBC, VPBank sẽ có bước nhảy vọt về quy mô vốn trên thị trường Việt Nam. Sự thấu hiểu thị trường trên 30 năm của ngân hàng địa phương với kinh nghiệm quản trị kinh doanh theo tiêu chuẩn cao nhất của ngân hàng Nhật Bản tích luỹ trên 40 thị trường trên khắp thế giới, sự hợp tác đưa VPBank hiện thực hoá mục tiêu trở thành top 3 ngân hàng hàng đầu Việt Nam và top 100 ngân hàng hàng đầu châu Á.
Lãi đậm, nợ xấu cũng tăng
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế luỹ kế cả năm của nhà băng này đạt mức 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2021.
Trong năm 2022, nhà băng này thu về 41.000 tỷ đồng từ thu nhập lãi thuần, tăng 19% so với năm ngoái. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 10.500 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 618 tỷ đồng, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng bị lỗ hơn 149 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư còn hơn 508 tỷ đồng, giảm mạnh gần 84%.
Trong năm 2022, VPBank trích lập dự phòng rủi ro 22.461 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2021. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 29.700 tỷ đồng trong năm 2022, VPBank chỉ hoàn thành được 71% mục tiêu đề ra.
Đánh giá về chất lượng tài sản của VPBank, Chứng khoán Direct nhận định chất lượng tài sản tại ngân hàng mẹ đã giảm sút trong năm 2022 với tỷ lệ nợ xấu tăng 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ, lên 2,8% vào cuối năm 2022.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank đến 31/12/2022 lên đến 438.338 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2021.
Cũng theo báo cáo tài chính của VP Bank, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng gia tăng nhanh chóng trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 7.160 tỷ đồng – tăng 250% so với cùng kỳ (năm 2021 là 2.046 tỷ đồng); nợ nghi ngờ tăng 33% so với năm cùng kỳ, lên mức 10.031 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ vay của VPBank, tổng giá trị cho vay kinh doanh bất động sản là 67.593 tỷ đồng, tăng 58,8% so với đầu kỳ.
Vân Anh (T/h)