Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Năm 2022, VPBank trích lập dự phòng rủi ro tăng 18% so với năm 2021

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Ngân hàng VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7%. Tuy nhiên, nợ xấu nhóm 5 của của ngân hàng này cũng tăng 250%. Tổng giá trị cho vay kinh doanh bất động sản là 67.593 tỷ đồng. Đặc biệt, cả VPBank cũng như công ty con là chứng khoán VPBank (VPBankS) ghi nhận sở hữu trái phiếu tăng mạnh.

Lợi nhuận và nợ xấu vọt tăng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế luỹ kế cả năm của nhà băng này đạt mức 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2021.

Trong năm 2022, nhà băng này thu về 41.000 tỷ đồng từ thu nhập lãi thuần, tăng 19% so với năm ngoái. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 10.500 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 618 tỷ đồng, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng bị lỗ hơn 149 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư còn hơn 508 tỷ đồng, giảm mạnh gần 84%.

Trong năm 2022, VPBank trích lập dự phòng rủi ro 22.461 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2021. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 29.700 tỷ đồng trong năm 2022, VPBank chỉ hoàn thành được 71% mục tiêu đề ra.

Đánh giá về chất lượng tài sản của VPBank, Chứng khoán Direct nhận định chất lượng tài sản tại ngân hàng mẹ đã giảm sút trong năm 2022 với tỷ lệ nợ xấu tăng 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ, lên 2,8% vào cuối năm 2022.

Tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank đến 31/12/2022 lên đến 438.338 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2021.

Cho vay BĐS hơn 67 nghìn tỷ

Cũng theo báo cáo tài chính của VP Bank, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng gia tăng nhanh chóng trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 7.160 tỷ đồng – tăng 250% so với cùng kỳ (năm 2021 là 2.046 tỷ đồng); nợ nghi ngờ tăng 33% so với năm cùng kỳ, lên mức 10.031 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ vay của VPBank, tổng giá trị cho vay kinh doanh bất động sản là 67.593 tỷ đồng, tăng 58,8% so với đầu kỳ.

Nợ xấu của VPBank gia tăng mạnh.

Tính đến ngày 31/12/2022, VPBank đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu, có giá trị 32.891 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm và cũng là nhà băng nằm trong “top” các ngân hàng đầu tư trái phiếu nhiều thị trường.

Cần biết, VPBank từ lâu đã là một “tay chơi” trên thị trường trái phiếu. Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, trong năm 2021, dòng vốn đã cấp tập đổ về VPBank thông qua 30 lô trái phiếu có kỳ hạn từ 2 đến 4 năm. Trong năm 2022, VPBank đã phát hành hai lô trái phiếu với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng.

Một pháp nhân khác trong hệ sinh thái của Ngân hàng VPBank là Chứng khoán VPbank (VPBankS) trong năm 2022 cũng nắm giữ 7.228 tỷ đồng trái phiếu, tương ứng mức tăng gấp gần 41 lần so với hồi đầu năm.

Đặc biệt, ngày 23/12/2022, HĐQT Chứng khoán VPBank đã thông qua Nghị quyết phê duyệt kế hoạch kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp từ ngày 23/12/2022 đến ngày 31/12/2023.

Theo đó, Chứng khoán VPBank dự định sẽ sử dụng tối đa 70% vốn chủ sở hữu để đầu tư vào trái phiếu. Danh mục trái phiếu của công ty chứng khoán này khá đa dạng, bao gồm nhiều cái tên như Ngân hàng TMCP Quân đội, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va, CTCP Kita Invest, CTCP  Đầu tư Xây dựng Trung Nam,…và hàng loạt doanh nghiệp khác.

Tháng 12/2022, Chứng khoán VPBank đã chính thức tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường. Như vậy, theo nghị quyết đã thông qua, Chứng khoán VPBank có thể sử dụng tối đa 10.500 tỷ đồng để đầu tư vào trái phiếu trong năm 2023.

Cũng theo giới thiệu, khách hàng có thể tham gia giao dịch trái phiếu thông qua ứng dụng của Chứng khoán VPBank – đơn vị đóng vai trò tư vấn phát hành và phân phối.

PV

Tin nổi bật