Vào năm 2005, một trận bão lớn đổ bộ vào Tứ Xuyên, Trung Quốc, khiến sông Mân đoạn chảy qua thị trấn Giang Khẩu bị tràn bờ, gây ra những tổn thất nặng nề cho cộng đồng dân cư nơi đây.
Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã nhanh chóng cử các cán bộ xuống hiện trường để đánh giá tình hình. Sau đó, một quyết định đã được đưa ra nhằm nạo vét và duy tu dòng sông, đảm bảo an toàn cho những người dân sinh sống ven bờ.
Điều bất ngờ đã xảy ra trong quá trình thi công tại khu vực này khi đội công nhân phát hiện ra vô số di vật văn hóa có giá trị nằm sâu dưới lòng sông. Thông tin này nhanh chóng lan rộng, thu hút một lượng lớn người dân đổ xô đến con sông với hy vọng tìm kiếm kho báu trong suốt những năm về sau. Và quả thực, nhiều bảo vật quý giá đã được khai quật.
Số tiền bất ngờ này đã làm thay đổi cuộc đời anh Tống một cách chóng mặt, nhưng sự giàu lên quá nhanh chóng cũng làm dấy lên không ít nghi vấn. Ảnh: news.cri.cn
Theo diễn biến câu chuyện, vào một đêm năm 2013, người đàn ông họ Tống cũng âm thầm tìm đến sông Mân với mong muốn thử vận may đổi đời. Sau khi tự mình khoanh vùng khu vực nghi chứa kho báu, ông Tống không ngần ngại nhảy xuống dòng sông lạnh giá và bắt đầu công cuộc tìm kiếm. Sinh trưởng ở vùng sông nước, việc bơi lội vốn dĩ không phải là trở ngại đối với ông. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lại nằm ở việc nhận diện giá trị của những thứ vớt được, bởi lẽ ông Tống hầu như không có bất kỳ kiến thức nào về cổ vật.
Sau một thời gian dài lặn lội dưới đáy sông, sự chú ý của ông Tống bất ngờ bị thu hút bởi một vật thể phát ra thứ ánh sáng lấp lánh đầy kỳ lạ. Tin rằng đó chính là bảo vật mà mình tìm kiếm, ông nhanh chóng vớt nó lên bờ và mang về nhà. Khi lớp bùn đất được rửa sạch, "báu vật" dần lộ diện hình hài. Đó là một vật có hình dáng tương tự như những chiếc ấn tín của các bậc vua chúa Trung Hoa cổ đại. Phần trên của ấn là một con hổ bằng vàng, còn phần dưới là một khối vàng đặc, trên bề mặt đáy khắc những dòng chữ Hán mang ý nghĩa "Dấu của tướng quân Vĩnh Xương".
Với hy vọng khối vàng kỳ lạ kia sẽ mang lại một khoản tiền khổng lồ, ông Tống đã nhanh chóng liên hệ với những người chuyên buôn bán đồ cổ để thực hiện giao dịch. Sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng, ông đã bán được món đồ mà mình tin là báu vật với giá 13 triệu NDT (tương đương hơn 46,7 tỷ đồng). Kể từ đó, cuộc sống của gia đình ông Tống bước sang một trang hoàn toàn mới, sung túc và giàu có. Sự đổi đời nhanh chóng của ông đã khơi dậy sự ghen tị không nhỏ trong cộng đồng dân làng. Thế nhưng, vận rủi cũng ập đến với người đàn ông này không lâu sau đó.
Vào năm 2016, một nhóm cảnh sát địa phương bất ngờ xuất hiện tại nhà ông Tống và tiến hành bắt giữ ông. Hóa ra, sau khi chiếc ấn vàng được bán đi không lâu, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã thành lập một đơn vị đặc biệt chịu trách nhiệm thu hồi các di vật văn hóa trong khu vực lân cận sông Mân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát địa phương đã lần theo dấu vết từ những người buôn cổ vật và truy ra những cá nhân đã bán các di vật này cho họ. Không chỉ riêng ông Tống, mà rất nhiều người dân sinh sống dọc theo sông Mân cũng bị bắt giữ vì hành vi buôn bán trái phép di vật văn hóa quốc gia của Trung Quốc.
Năm 2016, cảnh sát đã lần theo dấu vết của những kẻ buôn bán cổ vật và tiến hành bắt giữ anh Tống cùng nhiều đối tượng khác vì hành vi mua bán trái phép di vật văn hóa quốc gia. Ảnh: news.cri.cn.
Theo luật pháp của quốc gia này, tất cả di tích văn hóa nằm trong lòng đất, nội thủy và lãnh hải đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Trung Quốc. Do đó, việc anh Tống buôn bán con dấu hổ vàng là hành vi vi phạm pháp luật Trung Quốc và phải chịu sự trừng phạt thích đáng.
Con dấu vàng mà anh Tống tìm thấy sau đó đã được các chuyên gia khảo cổ xác định là ấn tín của Trương Hiến Trung, một lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân vào cuối thời nhà Minh, được biết đến với danh hiệu "Vĩnh Xương tướng quân" như dòng chữ khắc trên con dấu. Các ghi chép lịch sử kể lại rằng khi rút lui khỏi sự truy đuổi của quân triều đình, số lượng lớn vàng bạc mà Trương Hiến Trung mang theo đã bị nhấn chìm tại khúc sông này.
Một bài đồng dao địa phương lưu truyền hai câu gợi ý rằng người nào tìm được ấn vàng hình hổ sẽ khám phá ra vị trí kho báu. Từ manh mối này, các nhà khảo cổ học đã xác định được vị trí thực sự của kho báu nằm dưới lòng sông và quyết định tiến hành trục vớt khẩn trương để tránh những vấn đề phát sinh.
Vào tháng 10/2016, các nhà khảo cổ đã huy động nhiều máy bơm công suất lớn để liên tục hút cạn nước sông Mân. Sau bốn tháng nỗ lực, lớp phù sa, sỏi và cát dưới đáy sông dần lộ diện. Tiếp theo, các chuyên gia đã sử dụng thiết bị radar chuyên dụng để hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Sau hơn hai năm kiên trì khai quật, các nhà khảo cổ đã thu được tổng cộng hơn 30.000 di vật văn hóa từ đáy sông Mân, bao gồm nhiều trang sức bằng vàng, cùng với một số vàng và bạc đã được nung chảy thành thỏi. Ước tính giá trị của số báu vật này lên đến 3 tỷ Nhân dân tệ (hơn 10.000 tỷ đồng). Hiện tại, chúng đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Trung Quốc.
Theo Tri thức & Cuộc sống, VTV News.