Trong cuộc họp báo mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tính đến ngày 1/6, khoảng 550 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định ở 30 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó, tính đến ngày 30/5, Anh đã báo cáo tới 190 ca mắc đậu mùa khỉ, đánh dấu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất tại Anh cho tới nay. Tây Ban Nha và Bồ Đầu Nha cũng là những quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó mỗi nước đã ghi nhận tới 132 ca bệnh.
WHO nhấn mạnh rằng số lượng lớn các ca bệnh được phát hiện ở hơn hai chục quốc gia trong một khoảng thời gian ngắn cho thấy "có thể virus đã lây nhiễm mà không bị phát hiện trong một thời gian".
Trong đó, hai bữa tiệc ở Bỉ và Bồ Đào Nha đã trở thành những sự kiện siêu lây nhiễm. Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 31/5, Liên minh Châu Âu (EU) nhấn mạnh mối liên hệ giữa các sự kiện với các ca bệnh. Cụ thể, EU cho biết: "Nhiều quốc gia đã báo cáo các trường hợp liên quan đến các sự kiện diễn ra ở Tây Ban Nha (Madrid và quần đảo Canary) và Bỉ (Antwerp)".
47 đột biến ở virus
Thông qua giải trình tự gene của virus đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát trên thế giới hiện nay, Tiến sĩ Andrew Rambaut từ Đại học Edinburgh đã phát hiện 47 đột biến mới và so sánh nó với các bộ gen trước đó từ các mẫu bệnh phẩm thu thập vào năm 2017-2019 ở Singapore, Israel, Nigeria và Vương quốc Anh.
Chia sẻ về phát hiện mới trên virological.org, ông Rambaut thông tin: "47 sự đột biến trong thời gian 3-4 năm là con số lớn đến không ngờ. Virus gây đậu mùa khỉ được coi là loại lây truyền từ động vật sang người và khả năng truyền từ người sang người giới hạn".
Virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi. Ảnh: CDC
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vinod Scaria, một nhà khoa học cấp cao tại Viện Sinh học Tích hợp và Di truyền của Delhi (CSIR-IGIB), tỷ lệ đột biến của virus đậu mùa khỉ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ông giải thích: "Con số (khoảng hai đột biến mỗi năm) đến từ dữ liệu hạn chế từ các loại virus poxvirus khác đã được nghiên cứu. Sự thiếu chính xác cũng xuất phát từ thực tế rằng virus đậu mùa khỉ chủ yếu là một bệnh lây truyền từ động vật sang người và các bộ gene trước đây không phải do sự lây truyền lâu dài giữa người với người trong quá khứ".
Về 47 đột biến xuất hiện trong bộ gen hiện đang được giải trình tự, ông Scaria nhận xét: "Mặc dù số lượng đột biến trông lớn hơn đáng kể so với dự kiến, nhưng điều này có thể mang nhiều ý nghĩa - tỷ lệ đột biến ước tính đối với bệnh đậu mùa ở khỉ có thể khác nhau đối với các vật chủ khác nhau (như giữa động vật so với con người) và nhiều con đường tiến hóa trung gian và các đại diện của chúng chưa được xác định trình tự để kết luật chính xác về con đường tiến hóa của đột biến cụ thể này".
Những đột biến này có nguy hiểm?
Theo Tiến sĩ Rambaut, nhiều đột biến có thể xuát hiện do hoạt động của một loại enzyme đặc biệt có trong vật chủ để ngăn chặn sự nhân lên của virus. Tiến sĩ Rambaut chỉ ra dựa trên kiểu đột biến trong bộ gene của virus được phân lập từ người từ năm 2017 là "dấu hiệu của sự nhân lên ở người". Và "sự kế thừa của những thay đổi cụ thể xảy ra từ năm 2017-2018, sau đó trong các loại virus từ năm 2022, có nghĩa là đã có sự lây truyền từ người sang người liên tục ít nhất kể từ năm 2017".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Scaria không tin rằng sự hiện diện của dạng đột biến là dấu hiệu của sự lây truyền từ lâu giữa người với người. Ông chỉ ra: "Bằng chứng cho thấy nhiều đột biến khớp với cấu trúc của một bộ enzym độc nhất. Cho dù đây là vật chủ chính, vật chủ trung gian ở người vẫn chưa được xác định và điều đó khó chứng minh chắc chắn cho dữ liệu hiện có".
Đồng thời Tiến sĩ Scaria nhận xét dù sự hiện diện của 47 đột biến cho thấy rằng virus đậu mùa khỉ đột biến với tốc độ cao hơn nhiều so với tỷ lệ trước đây là 2-3 đột biến mỗi năm, nhưng các đột biến không có nghĩa là virus đã trở nên dễ lây lan hơn.
Ông giải thích: "Những đột biến mà chúng tôi thấy không làm thay đổi các axit amin trong protein. Điều này cho thấy rằng những đột biến mà chúng ta thấy là kết quả hoạt động của enzyme và không nhất thiết là một quá trình tiến hóa hoặc sự thích nghi của virus. Ngoài ra, không giống như virus SARS-CoV-2, virus đậu mùa khỉ không dựa vào thụ thể để xâm nhập tế bào. Vì vậy, một vài đột biến không có khả năng làm gia tăng khả năng lây nhiễm".
Tuy nhiên, sự xuất hiện của 47 đột biến đã cho thấy năng lây truyền liên tục của virus trong 4-5 năm qua.
Minh Hạnh (Theo Hindu Times)