Chứng khoán là một trong những tiềm lực phát triển mới của các quốc gia Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt tại Việt Nam.
Bước nhảy vọt ngoạn mục
Chỉ 3 năm trước, Việt Nam vẫn là một quốc gia không gây nhiều ấn tượng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Quốc gia Đông Nam Á chỉ có 10 tỷ USD giá trị chứng khoán niêm yết trong khi khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán đạt khoảng 100 triệu USD.
Tuy nhiên, hình ảnh đó đã thay đổi nhiều so với ngày hôm nay. Chưa hoàn toàn là phố Wall nhưng trung tâm tài chính của đất nước - thành phố Hồ Chí Minh đang nóng lên nhanh chóng.
Năm 2017, chỉ số VN Index của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm với mức 47% - đứng đầu châu Á và đứng thứ ba trên thế giới, theo Bloomberg.
Số lượng và tổng giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán của các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh: SCMP |
Quy mô của Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 75,2% so với năm 2017, đạt 115,46 tỷ USD, theo số liệu thống kê hàng năm từ Liên đoàn trao đổi thế giới (WFE). Số lượng các công ty niêm yết có giá trị trên 1 tỷ USD cũng như khối lượng giao dịch hàng ngày tăng gấp 3 lần.
Barry Weisblatt - người đứng đầu phòng nghiên cứu tại Viet Capital Securities cho biết: "Các nhà đầu tư đã bị thu hút bởi tốc độ tăng trưởng và ổn định của Việt Nam", đồng thời khẳng định các chính sách ủng hộ doanh nghiệp tư nhân đã giúp thúc đẩy thị trường.
Nói về tốc độ tăng trưởng phi thường của Việt Nam, Kim Eng – nhà nghiên cứu kinh tế khu vực Chua Hak Bin đã so sánh nền kinh tế này như một “ngôi sao nhạc rock”. Các thị trường như Indonesia và Thái Lan cũng đang trở mình mạnh mẽ.
Một trật tự mới
Trong hai thập kỷ qua, Singapore là nhà vô địch về tài chính trong khu vực. Các công ty Đông Nam Á tìm kiếm nơi khởi nghiệp luôn lựa chọn đảo quốc sư tử, đặc biệt bởi mối quan hệ của quốc gia này với các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Các nền kinh tế như Indonesia, Thái Lan và Philippines đang tìm cách giành vị trí cao nhất từ Singapore.
Các sàn giao dịch tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ - Ảnh: CNews |
Với vốn hóa thị trường 787,28 tỷ USD năm ngoái, Singapore là thị trường chứng khoán lớn thứ 16 ở châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của quốc gia này lại không mấy ấn tượng so với các nước trong khu vực.
Dữ liệu WFE cho thấy vốn hóa thị trường của Singapore Exchange (SGX) tăng 13,6% so với năm 2016 trong khi con số này của Hong Kong là 37,3%, của Việt Nam là 75,2%. Theo sau là Indonesia (22,6%), Philippines (22%), Thái Lan (15,7%) và Malaysia (14,5%).
SGX trong những năm gần đây đã bị cản trở bởi sự thu hẹp của số lượng các IPO, các giao dịch bị hủy và mức thanh khoản thấp. Thành công của các sàn giao dịch ở Việt Nam là thu hút được các danh sách mới, đặc biệt là công ty trong nước.
Việt Nam đã có đợt chào bán công khai lần đầu lớn nhất (IPO) trong 6 tháng đầu năm nay, với 3 giao dịch tăng 2,5 tỷ USD, theo số liệu của EY. Hiện nay, mục tiêu niêm yết cho tổng số 64 công ty nhà nước trong năm 2018, bao gồm cả công ty viễn thông MobiFone, và 18 công ty khác vào năm 2019 đang được ráo riết thực hiện.
Trong khi đó, SGX chỉ đưa được 7 công ty lên sàn niêm yết trong nửa đầu năm 2018, với 400 triệu USD được huy động bằng tiền mặt, chủ yếu nhờ vào danh sách nhà điều hành trung tâm thương mại Sasseur Reit của Trung Quốc.
Max Loh, đối tác quản lý của EY cho ASEAN và Singapore, lưu ý rằng điều này là tự nhiên đối với hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài tại đây: “Ngoài một thương hiệu tốt, khả năng kinh doanh và thị trường có sức mua lớn, mọi điều kiện khác đều đang được cân bằng. Singapore có thể không còn vượt trội như trước đây so với những nước Đông Nam Á khác”.
Liệu Singapore có giữ vững vị trí của mình và Việt Nam có thể bứt phá được những gì trong tương lai sẽ là câu hỏi thú vị cho các nhà đầu tư quốc tế.
Thu Phương (Theo SCMP)