Ngày 9/12, Dân Trí dẫn lời tờ Interfax Ukraine, cho biết trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh David Cameron hôm 8/12, ông Blinken cho biết 90% ngân sách mà Washington hỗ trợ an ninh cho Ukraine đã được chi cho hoạt động sản xuất tại Mỹ. Vì vậy, điều này đã góp phần giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng.
"Nếu các bạn xem xét các khoản đầu tư mà chúng tôi đã hỗ trợ cho nền quốc phòng của Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, 90% hỗ trợ an ninh mà chúng tôi cung cấp đã thực sự được chi tiêu tại Mỹ cho các nhà sản xuất của chúng tôi, cho hoạt động sản xuất của chúng tôi.
Điều đó là đã tạo ra nhiều việc làm hơn cho người Mỹ, tăng trưởng nhiều hơn cho nền kinh tế của Mỹ. Vì vậy, đây là hoạt động đôi bên cùng có lợi mà chúng ta cần tiếp tục", ông Blinken phát biểu.
Đạn pháo 155 mm tại nhà máy sản xuất đạn lục quân Scranton, bang Pennsylvania, Mỹ ngày 16/2. Ảnh: VnExpress/Reuters
Bình luận về phát biểu này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8/12 cho rằng, Kiev cần hiểu rằng Mỹ đã "kiếm được hàng tỷ USD" từ cuộc chiến ở Ukraine, trong khi người dân thường Ukraine thiệt mạng.
Theo DW, TASS, Mỹ đã cam kết viện trợ hơn 100 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả thiết bị quân sự, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Mỹ là bên viện trợ lớn nhất cho Kiev.
Mỹ là bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine với hơn 76 tỷ USD, trong đó có 46,6 tỷ USD viện trợ quân sự và 26,4 tỷ USD viện trợ tài chính, đồng thời liên tục cam kết ủng hộ quốc gia Đông Âu đến khi nào cần thiết.
Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa tại quốc hội Mỹ làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của nước này trong lúc Ukraine đang chuẩn bị cho mùa đông thứ hai trong chiến sự.
Trước đây, những gói viện trợ quân sự của Mỹ, được công bố khoảng hai tuần một lần, có giá trị 300-500 triệu USD. Gói gần nhất được công bố ngày 20/11 có trị giá 100 triệu USD, cùng các gói viện trợ quy mô nhỏ gần đây, đến từ số tiền được phát hiện sau lỗi hạch toán của Lầu Năm Góc.
Nguyễn Linh (T/h)