Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì thành tích xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã làm bừa

(DS&PL) -

Vì chạy theo thành tích, UBND xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã bất chấp những khó khăn của người dân để thu tiền xây dựng nông thôn mới.

(ĐSPL) - Mặc dù, đời sống của người còn rất nhiều khó khăn, nhưng vì chạy theo thành tích, Ủy ban nhân dân (UBND) xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã huy động quá sức dân để xây dựng Nông thôn mới. Nhiều hộ nghèo, trẻ em tật nguyền cũng phải đóng góp… Điều đó là trái với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc, xử lý của các cơ quan chức năng…

“Bệnh” thành tích?!

Cẩm Bình là 1 trong 7 xã của tỉnh Hà Tĩnh được công nhận hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Sự “về đích” của Cẩm Bình được xem là “kỳ tích” của lãnh đạo chính quyền địa phương. Thế nhưng, đối với rất nhiều người dân nghèo, “kỳ tích” đó còn có những điều khiến họ không hài lòng.

Cụ Nguyễn Đình Thanh với tấm bằng Tổ quốc ghi công một lần nữa "hi sinh" vì thành tích của xã

Để giúp xã có được thành tích, gia đình cụ Nguyễn Đình Thanh (87 tuổi), là bố mẹ liệt sỹ đã phải chấp nhận “xóa nhà tranh tre, dột nát” để làm nhà xây. Bây giờ, gia đình cụ đang phải gồng mình trả món nợ làm nhà mà chưa biết đến bao giờ mới hết. Nguyên do là chính quyền địa phương vận động gia đình cụ vay nợ làm nhà, với lời hứa sẽ hỗ trợ. Nhà được xây, đó là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới được đảm bảo. Trong khi xã ung dung nhận thành tích, gia đình cụ Thanh lại lâm vào cảnh nợ nần.

Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, ông Đặng Quốc Hải, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Cẩm Bình cho hay: “Việc hỗ trợ tiền cho ông Thanh xây nhà là tiền của Nhà nước, xã làm gì có tiền cho ông ấy. Còn việc chưa có tiền về là do ở trên chưa có, chứ không phải là không có để hỗ trợ”. Ông Hải nói thêm: “Gia đình ông Thanh có con cái đều khá giả, sao không nuôi ông?”. Thực tế, con trai ông Thanh cũng đang phải nai lưng làm thuê cật lực nơi xứ người, chứ chẳng sung sướng như lời ông Hải nói.

Gia đình anh Đoàn, chị Liệu ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình còn bi đát hơn. Là hộ nghèo, có hai con là trẻ tật nguyền,có hai con là trẻ tật nguyền, thuộc diện được hưởng chính sách. Tuy nhiên, vì thành tích của xã, vì để xã được khen thưởng, chính quyền địa phương đã đang tâm thu của gia đình anh chị số tiền lên đến hơn 7 triệu đồng/năm. Khoản tiền đó đối với nhiều lãnh đạo xã Cẩm Bình chỉ là tiền lẻ, nhưng với gia cảnh của anh Đoàn, chị Liệu là một khối tài sản khổng lồ. Đớn đau hơn, những đứa trẻ tật nguyền cả đời không bước chân ra khỏi nhà kia, vẫn phải “cõng” tiền xây dựng giao thông nông thôn.

Hai đứa trẻ tật nguyền cũng phải đóng tiền xây dựng Nông thôn mới

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều các hoàn cảnh gia đình khó khăn ở xã Cẩm Bình phải gồng mình đóng nạp, thậm chí là họ phải vay mượn khắp nơi để hoàn thành các khoản để xã có “thành tích”.

Ngày 13/08/2014, Thủ tướng chính phủ đã có văn bản gửi Trưởng ban chỉ đạo chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới các tỉnh, thành phố… Văn bản có đoạn trích: “Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân, không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp”… Như vậy, việc huy động sức dân đóng góp để xây dựng Nông thôn mới của UBND xã Cẩm Bình đã vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Khuất tất trong các khoản tiền của dân

Về Cẩm Bình, chúng tôi còn nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân về những khuất tất của chính quyền địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Nhiều hộ dân ở thôn Tân An phản ánh, năm 2012, đàn lợn của địa phương bị dịch heo tai xanh. Để giúp dân dập dịch, nhà nước đã hỗ trợ người dân 20.000đồng/con lợn bị dịch để tiêm vắc-xin. Danh sách người dân được hỗ trợ đã lập và đã ký song đến nay, người dân chưa hề nhận được đồng tiền nào.

Cũng liên quan đến tiền hỗ trợ, năm 2010, người dân Hà Tĩnh nói chung và người dân Cẩm Bình nói riêng phải gánh chịu trận lũ lịch sử. Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, nhà nước đã chi cho mỗi người dân có mặt nước hồ thả cá 500đồng/m2. Danh sách đã được lập, từng người dân đã ký nhận số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng. Dù vậy, đến nay, tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu.

Xe hơi hạng sang trọng của Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)

Không chỉ vậy, nhiều người dân bức xúc cho biết, nếu các khoản đóng góp mà người dân nộp muộn là chính quyền thu lãi nóng. Trong khi, tiền hỗ trợ của người dân mà chính quyền giữ trong trong mấy năm qua lại không thấy trả lãi cho dân!?

Thời gian gần đây, rất nhiều bài viết về các sai phạm, khuất tất của chính quyền xã Cẩm Bình được đăng tải nhưng không hiểu vì sao các cơ quan chức năng của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẫn chưa có động thái tích cực điều tra, xử lý.

Dư luận đặt câu hỏi, liệu có hay không sự bao che, “chống lưng” của ai đó đối với những khuất tất của chính quyền xã Cẩm Bình nói chung và cá nhân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, ông Đặng Quốc Hải nói riêng?!

Báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh các thông tin liên quan đến quý bạn đọc.

Tin nổi bật