Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trẻ tật nguyền “choáng váng” vì tiền xây dựng nông thôn mới

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Là hộ nghèo, có hai đứa con tật nguyền nhưng gia đình phải “cõng” vô số các khoản tiền đóng góp để giúp xã “về đích” trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

(ĐSPL)- Là hộ nghèo, có hai đứa con tật nguyền nhưng gia đình phải “cõng” vô số các khoản tiền đóng góp để giúp xã “về đích” trong chương trình xây dựng nông thôn mới, còn gia đình thì ngập trong nợ nần…Đó là hoàn cảnh của một gia đình ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Từ một hoàn cảnh gia đình bi đát…

Theo sự phản ánh và chỉ dẫn của nhiều người dân, chúng tôi đã tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Đoàn, chị Nguyễn Thị Liệu ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Ba mẹ con nhà chị Liệu

Khi chúng tôi đến, ngồi trước thềm nhà chỉ có chị Liệu và hai đứa con. Một đứa, cháu Nguyễn Thị Diện (12 tuổi) bại liệt hoàn toàn, gầy đét, sống thực vật. Một đứa, cháu Nguyễn Minh Hùng (16 tuổi) bị tật chân bẩm sinh, đi lại rất khó khăn và bị thiểu năng trí tuệ nặng. Nhìn cảnh ba mẹ con chị Liệu bồng bế, dắt díu nhau chạy vội vào nhà để đón khách mà lòng chúng tôi trĩu nặng, khóe mắt cay xè…

Bế cháu Diện vào giường, chị Liệu đi tìm quần để mặc cho con và tìm cho mình cái áo “đỡ rách” để bắt đầu cuộc trò chuyện…

Hai cháu Nguyễn Minh Hùng và Nguyễn Thị Diện.

Chị kể, anh chị lấy nhau năm 1990, khi chồng chị, anh Nguyễn Văn Đoàn vừa rời quân ngũ. Năm 1991, anh chị sinh cháu gái đầu lòng. Cuộc sống nông thôn tuy vất vả nhưng ấm cúng, hạnh phúc.

Đến năm 1997, anh chị sinh được thêm một cháu trai, là cháu Nguyễn Minh Hùng. Họ hàng, làng xóm ai cũng vui mừng cho anh chị vì đã có nếp có tẻ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, cháu Hùng chào đời được một thời gian ngắn thì anh chị phát hiện cháu bị tật nguyền bẩm sinh. Bây giờ cháu đã 16 tuổi nhưng đi lại rất khó khăn, không tự làm được bất cứ việc gì và đau đớn nhất là cháu chưa một ngày được đến trường…

Lúc đầu, định bụng chỉ đẻ hai đứa để có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ các cháu nhưng vì cháu Hùng bị như vậy, nên đến năm 2002, anh chị sinh lần nữa. Lần này, ơn trời cho chị sinh đôi, một trai, một gái. Nhưng ngày các cháu chào đời cũng là ngày anh chị gánh chịu thêm sự đớn đau, bất hạnh. Một trong hai cháu bị bại liệt hoàn toàn, nay cháu đã 12 tuổi nhưng chỉ nặng 9 kilogam, sống đời sống thực vật. Mỗi lần thấy con, chị lại lén lau nước mắt…Trong nghẹ ngào chị nói: “Ngày trước, anh Đoàn đi bộ đội ở đơn vị tên lửa, không biết anh có bị nhiễm phóng xạ hay chất độc màu da cam không mà bây giờ các cháu bị như vậy…”.

Cháu Diện sống thực vật 12 năm nay.

Đến sự “tận thu” của chính quyền

Mặc dù, hoàn cảnh gia đình bi đát như vậy nhưng thật khó hiểu là trong các khoản đóng góp, gia đình anh Đoàn, chị Liệu đều được “đối xử bình đẳng”. Chị Liệu cho chúng tôi xem các tờ thông báo của các khoản thu của chính quyền địa phương dành cho gia đình chị. Càng xem, chúng tôi càng ngạc nhiên, khó hiểu. Riêng trong năm 2014, gia đình anh chị phải đóng góp gần 20 khoản từ “phí trâu, bò, tiền xây dựng hội quán, tiền hội họp, tiền nghĩa trang…” với số tiền lên đến hơn 7 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi, chị Liệu nói như mếu: “Các chú coi, hoàn cảnh gia đình chị thế này mà giờ xã bắt ép nộp chừng này tiền thì chị chỉ có nước kêu trời thôi”. Điều đặc biệt là, trong các khoản thu mà chính quyền địa phương “dành” cho gia đình chị thì một trong hai cháu Hùng, Diện, là những cháu tật nguyền thuộc diện nhà nước trợ cấp hàng tháng, vẫn phải nộp. Cụ thể, ở mục “Thu tiền làm giao thông nông thôn”, xã quy định mỗi khẩu thu 300.000 đồng. Nhà anh Đoàn, chị Liệu có 5 người (con gái lớn đã đi lấy chồng) nhưng cũng chính quyền thu của anh chị 1.200.000 đồng, số thu của 4 khẩu. Chị Liệu nói:“Hai đứa con nhà chị tật nguyền, có khi nào ra khỏi nhà đâu mà xã thu tiền xây dựng giao thông nông thôn…”.

Các khoản “tận thu” chính quyền địa phương “dành” cho gia đình anh Đoàn, chị Liệu.

Cũng trong các thông báo đóng nộp, chúng tôi còn phát hiện ra chính quyền xã Cẩm Bình thu cả tiền “lãi nóng” các khoản đóng góp của người dân. Nghĩa là, trong các khoản tiền phải đóng góp, hộ nào chưa có tiền để đóng, chính quyền sẽ tính “tiền lãi” và mức tính tiền lãi được qui định 2\% / tháng. Cụ thể, trong năm 2014, gia đình anh Đoàn, chị Liệu phải đóng số tiền lãi là 307.000 đồng. Thấy chúng tôi băn khoăn, chị Liệu nói: “Cả làng đều như vậy chú ạ. Ngày nào thôn, xã cũng bắc loa réo tên nhà này thiếu khoản này, nhà kia thiếu khoản nọ…nói thật với chú, bọn chị nhục nhã lắm!”.

Cẩm Bình là một trong 7 xã của tỉnh Hà Tĩnh được công nhận hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Sự “về đích” của Cẩm Bình được trên tuyên dương, khen thưởng, chúc tụng. Thậm chí, cán bộ chính quyền xã Cẩm Bình đã “tự sướng” bằng một chuyến “du lịch bằng máy bay” dài ngày…Nhưng liệu sự “về đích” của Cẩm Bình có ý nghĩa gì không khi vẫn có nhiều, rất nhiều những người dân, thậm chí là những gia đình chính sách, những đứa trẻ tật nguyền phải sống trong sự thiếu thốn, nợ nần, khổ đau…

Mọi sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm xin gửi về địa chỉ:

Anh Nguyễn Văn Đoàn, chị Nguyễn Thị Liệu ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

- Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung

Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh - Nghệ An. ĐT/Fax: 038.8601010

Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An, chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.

Tin nổi bật