Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao vụ nổ cầu Crimea được dư luận quan tâm?

(DS&PL) -

Vụ nổ cây cầu Kerch được đánh giá là một đòn đánh mạnh vào cả tuyến đường tiếp tế lẫn biểu tượng của Nga.

Theo cáo cáo từ truyền thông và những hình ảnh video trên mạng xã hội, một chiếc xe tải đã phát nổ trên cây cầu Kerch, nối vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga với bán đảo Crimea qua eo biển Kerch, khiến ngọn lửa lan ra thùng chứa nhiên liệu của một đoàn tàu đang di chuyển ngang qua, gây ra vụ nổ nghiêm trọng làm hư hại một phần cây cầu. 

Vụ nổ diễn ra sau khi Nga có động thái làm leo thang căng thẳng khi tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh ly khai, do Nga kiểm soát ở Ukraine, vào lãnh thổ. 

Ngày 9/10 (giờ địa phương), một ngày sau vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Ukraine có liên quan tới một hành động mà ông gọi là "tấn công khủng bố nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng". 

Cây cầu mang tính biểu tượng 

Trong một bản cập nhật tình báo hôm 9/10, Bộ Quốc phòng Anh nhận định vụ nổ cầu Kerch có thể ảnh hưởng tới cá nhân Tổng thống Putin. Bản cập nhật nêu: "Vụ việc có thể tác động tới ông Putin, vụ việc xảy ra chỉ ít giờ sau sinh nhật thứ 70 của ông. Ông ấy cũng là người trực tiếp quảng bá và khánh thành cây cầu và nhà thầu xây dựng cây cầu này là một người bạn thời trẻ của ông".

Cây cầu này còn mang tính biểu tượng khi được xây dựng sau sự kiện năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Cây cầu được khánh thành vào năm 2018. 

Tổng thống Putin khánh thành cây cầu dài 19km nối liền Nga với bán đảo Crimea. Ảnh: RIA

Vụ nổ cầu Kerch còn được coi là một đòn giáng mạnh vào lực lượng Nga trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. Việc cầu Kerch bị phá hỏng một phần sẽ gây ra sự gián đoạn với tuyến đường tiếp tế quan trọng của Moscow ở miền Nam. Vụ nổ cũng làm ngưng trệ giao thông xe lửa và ô tô, đồng thời làm giảm khả năng vận chuyển của cây cầu dài 19km này.

Cây cầu là liên kết quan trọng nhất của Nga với Ukraine, vì con đường khác qua các tỉnh mới sáp nhập chưa được thiết lập và khó tiếp cận hơn. 

Ông Timothy Snyder, nhà sử học đến từ Đại học Yale về Vấn đề Nga và Ukraine, ngày 8/10 nhận xét vụ nổ đã "làm tê liệt tuyến hậu cần của Nga và phá hủy biểu tượng chính về quyền lực của Tổng thống Putin". 

Một kỹ sư cầu nói với Wall Street Journal rằng sẽ mất vài tháng để khôi phục những phần bị hư hỏng của cây cầu.

Lo ngại sự đáp trả từ Nga  

Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen cho rằng vụ nổ cầu Kerch là "bước lùi" mới nhất của Nga trong cuộc xung đột hiện nay. Ông cảnh báo vụ nổ có thể làm gia tăng các mối đe dọa tiềm tàng về một cuộc tấn công hạt nhân.

Trước đó, Tổng thống Putin đã đặt cộng đồng quốc tế vào tình trạng cảnh giác cao độ khi tuyên bố Nga sẽ "sử dụng mọi phương tiện" để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của mình. Nhiều quan chức cấp cao phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ mối bận tâm với tuyên bố của ông chủ Điện Kremlin. Tuy nhiên, những ngày qua, Washington xác nhận họ không nhận thấy dấu hiệu Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cầu Kerch bốc cháy sau vụ nổ. Ảnh: New York Times 

Bản thân Nga từ trước cũng đã lên tiếng cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ hành động phá hoại nào nhằm vào cây cầu này.  Trong đêm 9/10, một quan chức Ukraine cho biết Nga thực hiện vụ tấn công khiến 17 người thiệt mạng ở Zaporozhye, khu vực mới được sáp nhập vào nước này. 

Trong bài đăng trên Facebook, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên án vụ tấn công, gọi đó là hành động "tàn nhẫn". Ông viết: "Vụ tấn công hoàn toàn vô nghĩa. Vô cùng ác độc. Hành động man rợ và khủng bố. Từ người ra mệnh lệnh cho tới những người thực hiện mệnh lệnh. Họ sẽ phải chịu mọi trách nhiệm, chắc chắn, trước pháp luật và người dân".

Ông Anatoliy Kurtev, thư ký của hội đồng thành phố Zaporozhye, thông tin 40 người bị thương, 50 tòa nhà cao tầng, 4 cơ sở giáo dục và 20 tòa nhà khác của khu vực tư nhân bị hư hại do các vụ nổ. 

Thành phố Zaporozhye là nơi đặt máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, khu vực này đã nằm trong sự kiểm soát của lực lượng quân sự Nga từ đầu cuộc xung đột. Khu vực này đã hứng chịu các cuộc giao tranh căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Cộng đồng thể giới đã kêu gọi thiết lập một vùng phi quân sự xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye do lo ngại nguy cơ rò rỉ hạt nhân từ các vụ pháo kích. 

Minh Hạnh (Theo The Hill)

Tin nổi bật