(ĐSPL) – Sức hấp dẫn nào khiến Techcombank “bạo chi” 574,6 tỷ đồng để trở thành nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của Vietnam Airlines?
Trong phiên đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vừa qua của Vietnam Airlines. Techcombank đã chi tới 574,6 tỷ đồng để mua 25.760.000 cổ phần tương ứng 1,82\% vốn Vietnam Airlines để trở thành nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của hãng hàng không này.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Techcombank và Vietnam Airlines trở thành “người một nhà”. Trước đó, Vietnam Airlines đã từng là cổ đông sáng lập ngân hàng của Techcombank với việc sở hữu 20\% vốn và giảm dần xuống 2,7\% vào cuối năm 2013.
Sự “thân thiết” giữa Techcombank và Vietnam Airlines đã kéo dài tới 15 năm. Techcombank là nhà tài trợ vốn lớn cho nhiều dự án trọng điểm của Vietnam Airlines như dự án đầu tư 6 máy bay ATR 72-500, 16 máy bay A321… Bên cạnh đó, ngân hàng thực hiện thu hộ tiền bán vé, cung cấp tài chính cá nhân cho nhân viên tổng công ty và đơn vị thành viên. Đến cuối năm 2013, tổng dư nợ vay dài hạn của Vietnam Airlines tại Techcombank khoảng hơn 1.100 tỷ đồng, thuộc top 4 ngân hàng cấp vốn lớn nhất.
Tuy nhiên, nếu nói về mặt lợi ích kinh doanh, chắc chắn mối quan hệ “tình thân” này không đủ để Techcombank chi ra số tiền lớn như vậy để mua cổ phần của Vietnam Airlines. Có hay chăng chỉ là ngân hàng này nhìn thấy được tương lai hứa hẹn của hãng hàng không này sau khi cổ phần hóa và những nguồn lợi thu được từ đó.
Theo đề án cổ phần hóa của Vietnam Airlines, trong giai đoạn 2014 - 2018, hãng hàng không này cần 61.218 tỷ đồng (tương đương 2.708 triệu USD) vốn vay dài hạn để phục vụ mua sắm đội bay và đầu tư xây dựng hạ tầng sân bay, nhà ga. Nhu cầu vay nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines cũng không hề nhỏ để phục vụ điều tiết cân bằng dòng tiền (USD), thanh toán trong thời kỳ cao điểm hoặc thị trường ngoại hối khó khăn… Đơn cử, trong năm 2015, chỉ tiêu vay nợ ngân hàng và nợ đến hạn là 11.625 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 42.539 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy nhu cầu dùng tiền của Vietnam Airlines là rất lớn và với tư cách là cổ đông chiến lược, Techcombank sẽ có lợi thế hơn hẳn các ngân hàng đối thủ cạnh tranh khác trong việc cung cấp vốn cho hãng hàng không này.
Ngoài ra, thị trường hàng không ở Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng với nhiều “dư địa” để phát triển. Hiện tại, theo thống kê của Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đạt mức khá khiêm tốn 0,7 máy bay/triệu dân. Năng lực hành khách nội địa của hàng không Việt Nam chỉ đạt 12 triệu trên 90 triệu dân, khoảng 13\%.
Như vậy có thể thấy, thị trường hàng không Việt Nam còn rất tiềm năng và việc Vietnam Airlines tiến hành cổ phần hoá ngay trong năm 2014 mang tới nhiều kỳ vọng về thị trường hàng không cạnh tranh hơn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Ngọc Minh - tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng thừa nhận, Vietnam Airlines cổ phần hoá, giảm dần lệ thuộc vào Nhà nước và sự hiện diện của các nhà cổ đông chiến lược mới có thể khiến VNA hoạt động theo cơ chế thị trường hơn và nâng cao sức cạnh tranh.
Và Vietnam Airlines mạnh lên sau cổ phần hóa chắc chắn cũng sẽ giúp cho nhà cổ đông chiến lược Techcombank thu lợi lớn. Chỉ cần nói đến việc tận dụng số lượng hành khách đi máy bay VNA thanh toán qua thẻ, trả lương cho nhân viên hãng hàng không rồi các mối quan hệ trong doanh nghiệp cũng đủ hấp dẫn để ngân hàng này chịu chi mạnh tay mua cổ phần của Vietnam Airlines.