Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao ngày Thất tịch lại mưa?

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang Chức Nữ, hay sự tích ông Ngâu bà Ngâu, là cách dân gian lý giải vì sao trời thường mưa vào ngày Thất tịch (7/7 âm lịch).

Lễ Thất tịch (mùng 7/7 âm lịch) có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất phát từ câu chuyện Ngưu Lang, Chức Nữ.

Tương truyền, Ngưu Lang là một chàng trai chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ. Nhờ tính cách thiện lương, Ngưu Lang có được tình cảm của nàng tiên dệt vải Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời. Hai người đã kết duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.

Một ngày kia, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế rồi, Ngưu Lang nhất định ở đó chờ đợi, mãi không chịu rời đi. Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang, Vương Mẫu đồng ý cho họ mỗi năm vào ngày Thất tịch (7/7 âm lịch) được gặp nhau một lần.

Vì sao ngày Thất tịch lại mưa? Ảnh minh họa 

Ngoài câu chuyện có nguồn gốc từ Trung Quốc, các nước phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… cũng truyền trong dân gian nhiều dị bản.

Trong đó, đa số các dị bản tập trung lý giải vì sao trời mưa vào ngày Thất tịch. Cụ thể, phần kết của các dị bản cho rằng, Ngưu Lang và Chức Nữ đoàn tụ trên cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân, do đàn quạ trời tạo ra.

Nỗi mừng tủi khi gặp nhau cũng như nỗi buồn sắp phải xa nhau khiến Ngưu Lang và Chức Nữ khóc dầm dề. Nước mắt của họ đã rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa tháng 7, dân gian gọi là mưa ngâu ("ngâu" là cách đọc chệch âm "ngưu", cũng như vợ chồng Ngưu lang được gọi là ông Ngâu, bà Ngâu).

Trên phương diện khí hậu, vào đầu tháng 7 âm lịch ở Việt Nam, trời thường đổ mưa, gọi là mưa ngâu. Đặc điểm của những cơn mưa này là rải rác, rả rích từng cơn, có ngày ít, có ngày nhiều chứ không liên tục. Vì thế mà hiện tượng thời tiết này được miêu tả là "trời mưa sụt sùi". Dân gian Việt Nam có câu tục ngữ "Vào mùng 3, ra mùng 7", nghĩa là trời sẽ mưa vào các ngày từ mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết hiện nay không còn giống với hàng trăm, hàng nghìn năm trước. Vì thế không phải ngày Thất tịch năm nào cũng có mưa ngâu. Hiện tượng thời tiết này có thể đến muộn hơn hoặc thậm chí không có.

Mặt khác, ngay cả ở thời chưa có sự biến đổi khí hậu, mưa ngâu cũng không nhất thiết xuất hiện vào đúng ngày Thất tịch.

Vào những ngày Thất tịch không mưa, người ta có thể ngắm sao Ngưu lang và sao Chức nữ trên bầu trời, các đôi lứa có thể chỉ sao mà thề hẹn rằng dù có trải qua bao nhiêu trở ngại cũng sẽ cố gắng vượt qua để được ở bên nhau. Nhiều người tin rằng đôi lứa yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu lang Chức nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch thì sẽ tình duyên viên mãn.

Năm 2024, Lễ Thất tịch rơi vào thứ Bảy tức ngày 10/8 dương lịch.

Tin nổi bật