Những phi tần phạm tội nhưng chưa đến mức khi quân hay xui xẻo thất sủng thì họ sẽ bị đẩy vào lãnh cung. Chính những lãnh cung này cũng là đề tài mà rất nhiều người muốn biết và tìm hiểu.
Trong sử sách Trung Quốc ghi chép, đã có không ít phi tần mỹ nữ, chỉ vì một câu nói, một thái độ không hợp ý hoàng đế mà bị đày vào lãnh cung, vĩnh viễn không còn được ân sủng.
Thông thường, sau khi bị đày vào lãnh cung, những phi tử này sẽ phải sống cuộc sống thê thảm, không chỉ thiếu thốn đủ bề, còn bị hạ nhân như nô tài, thái giám khinh thường vì thất thế.
Thế nhưng, luôn có những ngoại lệ, có những phi tử bị đày vào lãnh cung nhưng không hề bị nô tài, thái giám ghét bỏ, hành hạ, ngược lại, những phi tử này còn được các thái giám tranh nhau hầu hạ, giúp đỡ.
Lãnh cung - hai từ mà bất cứ cung tần, mỹ nữ nào đều sẽ run sợ khi nghe đến. (Hình minh họa) |
Bởi lẽ, những phi tử bị hoàng đế đày vào lãnh cung thế nhưng bình thường họ cũng đã từng được hoàng đế sủng ái, sống cuộc sống xa hoa, hào nhoáng.
Hoàng đế sau khi ân sủng sẽ ban cho các những phi tử này nhiều vàng bạc, châu báu. Tất cả những của cải này khi tới lãnh cung, các phi tử được phép mang theo.
Tới lãnh cung ở, các phi tử quen ăn ngon mặc đẹp này sẽ không quen được. Vì vậy, họ sẽ đút lót cho các thái giám trông coi lãnh cung chút tiền bạc để được đối xử tốt. Nhân cơ hội này, các thái giám có thể vơ vét được chút tiền tài, họ sẽ không bỏ qua cơ hội.
Dù sao ngày thường họ hầu hạ các chủ nhân, nghe đánh chửi, mắng nhiếc đủ điều, lại không lấy được nhiều đồ tốt, tiền bạc. Chẳng bằng trao đổi sòng phẳng với các phi tử đã thất sủng, bị đày vào lãnh cung.
Những thái giám khi nhập cung đều đã không còn tự do, không còn quyền như một người bình thường. Ngày qua ngày, họ phải hầu hạ các chủ tử cực kỳ soi mói. Mỗi khi làm sai điều gì, khiến chủ tử mất hứng, các thái giám sẽ bị trách phạt, thậm chí bị đánh.
Bởi vậy, các thái giám thường nghĩ, cuộc sống của họ vô cùng tủi nhục, khắp nơi đều bị chèn ép, luôn phải nhìn sắc mặt người khác để sống. Thế nhưng khi tới lãnh cung, họ lại được các phi tử thất thế tôn trọng. Khi nói chuyện, họ cũng không bị những phi tử này hất hàm sai khiến mà ân cần, thận trọng nhờ vả.
Đối tốt với các phi tử trong lãnh cung, thái giám không chỉ được lợi về mặt tiền bạc, còn được tôn trọng, lấy lại tự tôn của mình.
Đáng nói, khi bị đày vào lãnh cung, mặc dù các phi tử phần lớn sẽ không có kết cục tốt, thế nhưng trên đời nhiều chuyện bất ngờ xảy ra. Rất có thể họ bị oan uổng.
Trong trường hợp này, nếu may mắn, những phi tử này hoàn toàn có cơ hội trở mình, được minh oan, thoát khỏi lãnh cung, một lần nữa sống cuộc sống xa hoa, phú quý, khôi phục lại những huy hoàng thủa trước.
Những thái giám có đầu óc, khi nhìn thấy phi tử nào có cơ hội trở mình, sẽ đầu tư không chỉ thời gian mà còn đầu tư tâm sức hầu hạ phi tử đó. Bản thân những thái giám này cũng rất ngóng chờ, trông đợi vào tương lai, phi tử này sẽ được giải thoát khỏi lãnh cung, một lần nữa nhận được sự ân sủng của hoàng đế. Nếu được như thế, cuộc sống của thái giám này cũng sẽ chuyển biến, có quyền uy và được nhiều lợi ích hơn.